1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hôm nay, nhiều bộ ngành “chốt” xử lý 53 sai phạm ở Formosa Hà Tĩnh

(Dân trí) - Phó trưởng đoàn thanh tra liên ngành về bảo vệ môi trường tại Formosa Hà Tĩnh - ông Lương Duy Hanh - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết hôm nay 18/8, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng “chốt” việc xử lý đối với 53 sai phạm đã phát hiện ở Formosa.

6 dấu hiệu hình sự tại Formosa Hà Tĩnh đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chuyển hồ sơ cho Bộ Công an làm rõ.
6 dấu hiệu hình sự tại Formosa Hà Tĩnh đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chuyển hồ sơ cho Bộ Công an làm rõ.

Trao đổi riêng với PV Dân trí, ông Lương Duy Hanh - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường - khẳng định 53 sai phạm này được tổng hợp, phát hiện từ 5 tổ công tác trong đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì sẽ được các bộ ngành liên quan thống nhất hướng xử lý trong ngày hôm nay 18/8.

“Chúng tôi đang nhóm lại các vi phạm như không cung cấp hồ sơ tài liệu của nhà máy cán nóng, cán dây, nhà máy điện, luyện cốc... 53 sai phạm, thậm chí bây giờ 55 sai phạm vì vừa phát hiện thêm nữa, nhưng trách nhiệm bị xử lý thì phải theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ví dụ như với tổ chức thì là Formosa, một số lỗi về chất thải nguy hại thì hiện nay Formosa vẫn bảo nhà thầu chịu trách nhiệm, người ta phải đăng ký báo cáo với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, có chăng Formosa chịu trách nhiệm liên đới”- ông Hanh nói.

Chính vì Formosa vẫn “cãy chày cãi cối”, “phủi tay” trách nhiệm như vậy nên Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường họp bàn, trao đổi với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao để đi tới thống nhất hướng xử lý thuyết phục nhất.

Theo ông Hanh, trong số 53 sai phạm này chủ yếu là chất thải nguy hại, chiếm tới gần một nửa, nhưng lại liên quan đến các nhà thầu khác nhau, bộ phận khác nhau.

“Chính vì thế chúng ta phải xử lý bình đẳng theo pháp luật, xử lý sai thì họ kiện lên tòa ngay. Phía sau Formosa là hệ thống luật sư có trình độ cao nên kể cả chúng ta đã ký biên bản, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính rồi nhưng nếu không làm chặt chẽ thì Formosa có thể khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Như vừa rồi Tổng cục Thuế ấy, vừa ra quyết định cái đã bị họ khiếu nại ngay, có thể khiếu nại với người ra quyết định hoặc kiện ra tòa. Nên việc này phải làm rất chặt chẽ về mặt pháp lý và xử lý nghiêm”- ông Hanh nêu quan điểm.

Hiện nay Formosa có 3 trạm xử lý chất thải. Do quá trình điều chỉnh giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước đã “giúp” Formosa được pha loãng 10 lần. Ông Hanh cho biết, mặc dù kết quả phân tích trạm sinh hóa không đạt nhưng khi cho pha loãng như vậy nên tất cả những đoàn kiểm tra hiện nay không thể xử phạt họ được ở hành vi gây ô nhiễm môi trường.

"Trung tâm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh trong năm 2015-2016 đã quan trắc nhiều lần, lần nào cũng đạt. Đến bây giờ đoàn kiểm tra liên ngành cũng không bắt được hành vi xả chất thải vượt quy chuẩn cho phép vì họ pha loãng 10 lần, nhưng tổng lượng chất thải không thay đổi. Đây là vấn đề và Formosa lợi dụng việc này”- ông Hanh nêu thực trạng.

“Tại sao Formosa đã ký biên bản thừa nhận rồi mà Bộ Tài nguyên và Môi trường không thể ban hành ngay quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 53 sai phạm đó?”- PV Dân trí đặt vấn đề.

Ông Lương Duy Hanh nói: “Người ta ký thừa nhận lỗi đó của các đơn vị, còn của họ hay không thì phải căn cứ theo pháp luật. Hành vi vi phạm hành chính chỉ được xác nhận khi biên bản được lập, hôm nay các bộ ngành họp bàn rồi mới chốt lại cuối cùng dựa trên cơ sở ý kiến của Bộ Tư pháp thẩm định”.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển hồ sơ, tài liệu sang Bộ Công an điều tra làm rõ liên quan đến 6 dấu hiệu vi phạm hình sự trong việc về việc thất thoát của 22.000m3 nước thải sinh hóa không biết bơm đi đâu, dấu hiệu của sự cố mất điện, dấu hiệu của vận hành trạm công nghiệp...

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời báo chí trong chuyến thị sát tại Khu kinh tế Vũng Áng (Ảnh: Tiến Hiệp)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời báo chí trong chuyến thị sát tại Khu kinh tế Vũng Áng (Ảnh: Tiến Hiệp)

Như Dân trí đã phản ánh trước đó, tại phiên họp sau cùng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bàn về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2016, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết hiện có 6 nhà thầu nước ngoài làm việc tại Formosa liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, lắp ghép thiết bị xử lý nước thải, hầu hết từ Trung Quốc.

Đến nay, cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện 53 hành vi vi phạm hành chính của Formosa sau sự cố xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển, kể cả khâu thiết kế, vận hành, xây dựng thi công. Ngoài ra, qua giai đoạn thử nghiệm hệ thống, đã phát hiện vấn đề về xử lý sự cố liên quan đến điện, từ đó khẳng định hệ thống xử lý xả thải của Formosa chưa đáp ứng yêu cầu pháp luật và cơ quan quản lý.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nghiêm trọng nhất trong số các vi phạm là hành vi tự khi thay đổi công nghệ xử lý cốc, từ công nghệ khô (an toàn với môi trường) sang công nghệ ướt (làm phát tán rất nhiều chất thải).

“Việc này hoàn toàn là do Formosa tự ý điều chỉnh so với công nghệ được duyệt và đây là bằng chứng hết sức quan trọng, không phải để chứng minh việc gây ra sự cố môi trường nhưng là bằng chứng về việc vi phạm pháp luật của đơn vị” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Theo Bộ trưởng Hà, nơi gây nguồn thải nguy hiểm nhất tại Formosa chính là lò luyện cốc. Chất thải tại đây sau đó được xử lý tại bể xử lý nước thải tập trung. Vừa qua, dây chuyền xử lý nước thải tập trung của toàn bộ khu Vũng Áng mới vận hành được ¼ công suất. Khi dây chuyền hoạt động đầy đủ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng hoàn toàn có thể tin, đơn vị sẽ vận hành và xử lý được hết trong quá trình hoạt động.

Khi đã xác định nguyên nhân gây sự cố môi trường biển vừa qua là từ Formosa, Chính phủ cũng đã yêu cầu áp dụng tất cả các giải pháp để buộc đơn vị phải xử lý theo đúng quy định.

Thế Kha