1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Formosa tự ý “hạ cấp” công nghệ xử lý cốc từ khô sang ướt

(Dân trí) - Báo cáo UB Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 50 sáng nay, 11/7, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong số 53 hành vi vi phạm hành chính của Formosa, nghiêm trọng nhất là doanh nghiệp này tự thay đổi công nghệ xử lý ở lò luyện cốc từ công nghệ khô theo yêu cầu sang công nghệ ướt…

Formosa tự ý điều chỉnh công nghệ


Bộ trưởng Trần Hồng Hà báo cáo với UB Thường vụ Quốc hội những vi phạm đã phát hiện tại Formosa.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà báo cáo với UB Thường vụ Quốc hội những vi phạm đã phát hiện tại Formosa.

Tại phiên họp sau cùng của UB Thường vụ Quốc hội khoá XIII khai mạc sáng nay, bàn về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2016, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh đề nghị các đại diện Chính phủ cho biết thêm các vấn đề về Formosa, ngoài vấn đề môi trường còn các nội dung khác như sử dụng lao động.

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo, hiện có 6 nhà thầu nước ngoài làm việc tại Formosa liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, lắp ghép thiết bị xử lý nước thải, hầu hết từ Trung Quốc.

Đến nay, cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện 53 hành vi vi phạm hành chính của Formosa sau sự cố xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển, kể cả khâu thiết kế, vận hành, xây dựng thi công. Ngoài ra, qua giai đoạn thử nghiệm hệ thống, đã phát hiện vấn đề về xử lý sự cố liên quan đến điện, từ đó khẳng định hệ thống xử lý xả thải của Formosa chưa đáp ứng yêu cầu pháp luật và cơ quan quản lý.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nghiêm trọng nhất trong số các vi phạm là hành vi tự khi thay đổi công nghệ xử lý cốc, từ công nghệ khô (an toàn với môi trường) sang công nghệ ướt (làm phát tán rất nhiều chất thải).

“Việc này hoàn toàn là do Formosa tự ý điều chỉnh so với công nghệ được duyệt và đây là bằng chứng hết sức quan trọng, không phải để chứng minh việc gây ra sự cố môi trường nhưng là bằng chứng về việc vi phạm pháp luật của đơn vị” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Cũng theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên – Môi trường, tại Formosa, nơi gây nguồn thải nguy hiểm nhất chính là lò luyện cốc. Chất thải tại đây sau đó được xử lý tại bể xử lý nước thải tập trung. Vừa qua, dây chuyền xử lý nước thải tập trung của toàn bộ khu Vũng Áng mới vận hành được ¼ công suất. Khi dây chuyền hoạt động đầy đủ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, hoàn toàn có thể tin, đơn vị sẽ vận hành và xử lý được hết trong quá trình hoạt động.

Khi đã xác định nguyên nhân gây sự cố môi trường biển vừa qua là từ Formosa, theo ông Hà, Chính phủ cũng đã yêu cầu áp dụng tất cả các giải pháp để buộc đơn vị phải xử lý theo đúng quy định.

Chính phủ sẽ họp phiên riêng bàn về du lịch biển miền Trung

Về vấn đề quản lý lao động Trung Quốc tại Formosa, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Minh Huân thông tin thêm, Bộ này đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra để cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra việc cấp giấy phép lao động. Theo đó, 70% lao động tại đây đã được cấp phép.

Tuy nhiên, con số báo cáo về lao động của các nhà thầu luôn biến động tuỳ từng giai đoạn. Với người lao động nước ngoài, hiện tại, tỉnh Hà Tĩnh được phân cấp, giao nhiệm vụ cấp phép lao động, quản lý và địa phương khẳng định việc này tại Formosa đang được thực hiện, tuân thủ theo đúng quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng, sự cố ô nhiễm biển các tỉnh miền Trung vừa qua ảnh hưởng nhiều vấn đề, trong đó có du lịch. Báo cáo của Chính phủ thậm chí đã nêu nhận định, nếu không có sự cố này thì khoản thu từ du lịch 6 tháng đầu năm có khả năng giúp đạt được chỉ tiêu thu ngân sách mà Quốc hội giao. Tuy nhiên, bà Hải băn khoăn, thực tế nghiêm trọng vậy nhưng báo cáo về tình hình kinh tế xã hội nửa đầu năm, giải pháp cho những tháng cuối năm không nêu biện pháp thế nào để khắc phục khó khăn cho ngành du lịch tại các địa phương bị ảnh hưởng sau sự cố.

Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng xác nhận, sự cố ô nhiễm môi trường biển với 4 tỉnh miền Trung như đại biểu nêu cũng khiến Chính phủ cũng rất lo ngại. Hiện tại, các nhà hàng tại đây vẫn chưa có ai dám gọi, ăn các đồ hải sản đánh bắt về, các khách du lịch không dám xuống tắm. Việc này gây ảnh hưởng lớn đến 4 tỉnh, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.

“Cũng đúng là chúng tôi chưa nêu giải pháp tháo gỡ vấn đề này nhưng trong tuần này Chính phủ sẽ họp một phiên riêng để bàn về việc phát triển du lịch trong thời gian tới, trong đó sẽ đề ra giải pháp cụ thể hơn cho 4 tỉnh này để khôi phục ngành du lịch” – Bộ trưởng KH-ĐT nói.

Riêng tỉnh Thanh Hoá, vừa qua nổi lên hiện tượng quá tải về du lịch. Việc này cũng có một phần lý do người dân lo ngại ô nhiễm biển tại 4 tỉnh miền Trung sau sự cố vừa qua nên khách du lịch có xu hướng không đi sâu vào miền Trung mà dừng lại ở Thanh Hoá. Ngoài ra, theo ông Dũng, cũng có một lý do là nhiều mô hình đầu tư khai thác du lịch quy mô tại Thanh Hoá đã giúp phát huy hiệu quả tốt. Chính phủ cũng đã lưu ý để phát huy hơn nữa hiệu quả từ mô hình đầu tư này vào những vùng có tiềm năng du lịch.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến góp ý thêm, cuộc đấu tranh với Formosa vừa qua để buộc trách nhiệm với nhà đầu tư này là thắng lợi của Chính phủ nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Ông Chiến yêu cầu báo cáo của Chính phủ về vấn đề này phải làm rõ nguyên nhân chủ quan của cơ quan quản lý Việt Nam trong việc phê duyệt, thẩm định dự án gang thép này.

Ông Chiến phân tích, đây là một dự án đầu tư của nước ngoài được phê duyệt chủ trương rất nhanh, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM) cũng rất nhanh. Sau đó, chủ đầu tư yêu sách thế này thế nọ thì cũng được các cơ quan xem xét và đồng ý rất nhanh. Rồi cuối cùng, hậu quả xảy ra cũng rất nhanh.

“Làm rõ lỗi chủ quan này thì mới lấy được uy tín với cử tri và nhân dân chứ còn việc khắc phục sự cố là tất yếu rồi. Ta cũng phải xem lại việc dự án lớn như vậy mà được cấp phép rất dài – tới 70 năm, tại một địa bàn nhạy cảm như vậy đã hợp lý chưa. Cần tính xem với những dự án này, quyết định cần đưa ra ở ở cấp nào, có cần xem đây là một dự án trọng điểm quốc gia phải đưa ra Quốc hội quyết định không. Tới đây chúng ta có điều chỉnh lại quy mô dự án, những điều kiện ưu đãi không cũng phải nêu rõ” – Chủ tịch Hội đồng dân tộc nói.

P.Thảo