Hỏi dân sao chặt điều trồng sầu riêng, Bộ trưởng nhận câu trả lời đắng lòng

Hoài Thu

(Dân trí) - Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể lại khi hỏi người dân vì sao chặt điều trồng sầu riêng, người dân nói: "Trồng sầu riêng thu nhập 1 tỷ đồng/ha, còn trồng điều 35-40 triệu, ông nghĩ nên như thế nào?".

Câu chuyện đầy trăn trở và suy nghĩ về những bất cập của nông sản Việt được Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn sáng 21/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cần ứng biến theo quy luật thị trường

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu của các nông sản chủ lực.

Đại biểu Sang thông tin nông sản hạt điều với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD vào năm 2023, còn giá sầu riêng tăng liên tục lập đỉnh với diện tích tăng từ 32.000ha lên 150.000ha chỉ trong 5 năm.

Băn khoăn việc phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu của nước ta hiện nay chưa thực sự hiệu quả, nữ đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp bảo đảm giá trị thương hiệu điều, sầu riêng, đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu và đời sống người dân.

Hỏi dân sao chặt điều trồng sầu riêng, Bộ trưởng nhận câu trả lời đắng lòng - 1

Phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/8 (Ảnh: Hồng Phong).

Chia sẻ vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết ông từng về huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), đứng trên một vườn trồng điều và nhìn phía bên kia vườn, thấy bà con đang đốn điều để trồng sầu riêng.

"Tôi hỏi bà con điều là cây gắn bó bao đời với vùng Bình Phước, tại sao bà con nỡ chặt bỏ cây để trồng sầu riêng? Bà con nói với tôi, giờ trồng sầu riêng thu nhập 1 tỷ đồng/hecta, còn trồng điều 35-40 triệu, ông nghĩ chúng tôi nên như thế nào?", Bộ trưởng kể lại.

Ông nói đó là câu trả lời rất đắng lòng, và có những vấn đề từ thực tiễn khiến bản thân ông suy nghĩ rất nhiều.

Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần ứng biến theo quy luật thị trường, không thể ngăn bằng công cụ kinh tế khác.

Ông cho biết ở Bình Phước đã tổ chức mô hình khuyến nông trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều, để tạo đa tầng giá trị. "Nấm linh chi đỏ đem lại thu nhập rất cao nên bà con giữ được tán điều vì có thêm sinh kế là nấm linh chi đỏ", ông Hoan nói.

Đánh giá Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Bình Phước chế biến điều rất đa dạng, Bộ trưởng nhấn mạnh cần đẩy nhanh các sản phẩm OCOP từ cây điều.

Ông cũng cho hay đã làm việc với Hiệp hội Điều Việt Nam, qua đó, Bộ trưởng lưu ý cần xây dựng chuỗi chia sẻ liên kết giữa người trồng điều với doanh nghiệp chế biến điều, khắc phục bất ổn khi dân trồng điều mà ta vẫn phải nhập điều thô từ nước ngoài.

Để bảo vệ giá trị nhãn hiệu, thương hiệu nông sản như sầu riêng, Bộ trưởng nhấn mạnh muốn xây dựng thương hiệu, quy chuẩn, phải có hiệp hội ngành hàng, phải có sự liên kết giữa bà con và các hiệp hội, doanh nghiệp.

Hỏi dân sao chặt điều trồng sầu riêng, Bộ trưởng nhận câu trả lời đắng lòng - 2

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (Ảnh: Hồng Phong).

Cho biết vừa ký nghị định thư thứ hai để mở thêm cánh cửa xuất khẩu các sản phẩm từ sầu riêng sang Trung Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói đây là niềm vui nhưng cũng kích hoạt nhiều vấn đề, là muốn đưa sầu riêng thành sản phẩm quốc gia, phải có thiết chế quốc gia để điều chỉnh, có chính sách chung về khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng nếu muốn đi xa.

"Không thể tiêu thụ hàng hóa nếu không theo tiêu chuẩn thị trường"

Trước đó, trả lời đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) về giải pháp tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết chủ trương mở cửa thị trường đã được nhất quán để tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong nước và nước ngoài.

Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu chuẩn hóa đối với hàng hóa nông sản là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như ở nước ta hiện nay.

Nhấn mạnh các giải pháp để mở cửa tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng cho biết thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương liên tục có những Nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản, ngoài việc tiêu thụ trong nước. Trong đó, chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn.

Hỏi dân sao chặt điều trồng sầu riêng, Bộ trưởng nhận câu trả lời đắng lòng - 3

Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan về giải pháp tiêu thụ nông sản (Ảnh: Hồng Phong).

"Chúng ta không thể nói vấn đề tiêu thụ nếu hàng hóa của chúng ta không theo được các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi", ông Hoan nói.

Đặc biệt, theo ông, việc xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục tính manh mún của nền nông nghiệp. Chính sách để liên kết được những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn cần các địa phương quan tâm hơn nữa.

Bên cạnh đó, việc phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng là một kênh để tiêu thụ những sản phẩm chế biến, tăng giá trị cho nông sản địa phương theo từng cấp độ, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Cho biết đến nay đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP, ông Hoan khẳng định nếu thực hiện tốt việc này sẽ giải tỏa được áp lực thị trường, đồng thời tạo ra sinh kế, việc làm cho bà con nông dân.

Đối với vấn đề nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, Bộ cũng đang nghiên cứu sâu về vấn đề này vì nếu có thương hiệu sẽ tạo được giá trị gia tăng rất lớn, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định. Cụ thể chưa có Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ để ban hành nghị quyết về thương hiệu.