PhotoStory

Học sinh miền Tây lội nước đi học vì lũ từ thượng nguồn lên nhanh

Thực hiện: Hải Long - Bảo Kỳ

(Dân trí) - Lũ lên nhanh ở thượng nguồn khiến người dân miền Tây trở tay không kịp. Cuộc sống bị đảo lộn, ruộng, vườn bị nhấn chìm, học sinh lội nước đến trường vì nước ngập sâu.

Học sinh miền Tây lội nước đi học vì lũ từ thượng nguồn lên nhanh - 1

Từ cuối tháng 9, mực nước tại các tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp, vùng Tứ giác Long Xuyên… lên nhanh, tràn vào đồng ruộng và các khu dân cư.

Mùa nước nổi mang theo phù sa bồi đắp ruộng đồng sau 3 vụ lúa, hoa màu trong năm, tạo nguồn lợi cho bà con mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, đây cũng là nỗi lo của hàng nghìn gia đình sinh sống tại các vùng trũng thấp, "rốn lũ" ở miền Tây, khi cuộc sống bị đảo lộn vì nước ngập khắp nơi.

Về An Giang thăm làng Chăm có hàng trăm ngôi nhà sàn cao 3m vượt lũ (Video: Bảo Kỳ).

Học sinh miền Tây lội nước đi học vì lũ từ thượng nguồn lên nhanh - 2

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, mực nước trên sông Hậu (khu vực TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) đo được ngày 1/10 là 2,96m, cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 0,12m.

Học sinh miền Tây lội nước đi học vì lũ từ thượng nguồn lên nhanh - 3

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, những ngày đầu tháng 10, khu vực thị trấn Đa Phước, huyện An Phú (tỉnh An Giang), mực nước sông Hậu dâng cao khiến các khu dân cư hai bên bờ sông bị ngập sâu, cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị đảo lộn vì nước lên nhanh.

Học sinh miền Tây lội nước đi học vì lũ từ thượng nguồn lên nhanh - 4

Có mặt tại ấp Hà Bao 2, thị trấn Đa Phước (huyện An Phú), hàng trăm căn nhà của bà con người Chăm bị bủa vây tứ bề là nước. Mực nước ở đây sâu khoảng 0,5-0,7m.

Học sinh miền Tây lội nước đi học vì lũ từ thượng nguồn lên nhanh - 5

Đã hơn một tuần nay, cuộc sống người dân nơi đây bị chững lại, họ phải tìm cách ứng phó với mùa nước nổi.

Học sinh miền Tây lội nước đi học vì lũ từ thượng nguồn lên nhanh - 6

Tại khu vực Làng dệt Đa Phước của người Chăm (ấp Hà Bao 2), các con đường dân sinh gần như bị nhấn chìm hoàn toàn, người dân phải di chuyển bằng xuồng để ra khỏi khu dân cư bị ngập.

Học sinh miền Tây lội nước đi học vì lũ từ thượng nguồn lên nhanh - 7

Những cây cầu gỗ ở đây bị nước nhấn chìm, hư hại do lũ lên nhanh bất ngờ. Nhiều ngày qua, các em học sinh phải lội nước đến trường.

Học sinh miền Tây lội nước đi học vì lũ từ thượng nguồn lên nhanh - 8

Cây cầu gỗ được làm nhiều năm trước bị nhấn chìm, hư hỏng do nước lên cao, những người đàn ông tại làng dệt Đa Phước chung sức sửa chữa, nâng cao cầu lên để các em học sinh và người dân trong ấp đi lại.

Học sinh miền Tây lội nước đi học vì lũ từ thượng nguồn lên nhanh - 9

Ông Y Sa (65 tuổi, áo xanh) cùng với vài người dân trong ấp góp tiền mua tràm nước, đinh sắt để làm lại cây cầu gỗ đi xuyên qua khoảng 15 hộ gia đình trong ấp.

"Năm nay nước lũ lên nhanh, chưa đầy một tuần nước đã tràn sông Hậu, gây ngập khu dân cư. Cầu, đường bị ngập hết, bà con đi lại khó khăn, nhất là các cháu học sinh trong xóm, cả tuần nay lội nước đến trường, vừa nguy hiểm lại ảnh hưởng tới giờ giấc học tập nên chúng tôi phải làm cầu cho bà con trước", ông Y Sa nói.

Học sinh miền Tây lội nước đi học vì lũ từ thượng nguồn lên nhanh - 10

Theo ông Y Sa, khu vực này trước đây nhà khá thấp, nhiều lần bị ngập sâu do lũ về. Đỉnh lũ cao nhất trong khoảng 30 năm trở lại đây là vào năm 2002, nước lũ lên cao trên 2m, ngập hết nhà cửa, bà con thiệt hại nặng nề.

"Kể từ sau cơn lũ lịch sử năm 2002, để ứng phó với những đợt lũ tiếp theo, bà con làm lại nhà đều phải làm nhà sàn, nâng cột và sàn nhà lên cao hơn mức lũ năm 2002 ít nhất 0,5m, đề phòng xuất hiện lũ to về lần nữa", ông Y Sa cho hay.

Học sinh miền Tây lội nước đi học vì lũ từ thượng nguồn lên nhanh - 11

Cầu gỗ dài khoảng 40m, xuyên qua những ngôi nhà sàn được người dân làm lại để thuận tiện cho việc đi lại trong mùa nước nổi.

Học sinh miền Tây lội nước đi học vì lũ từ thượng nguồn lên nhanh - 12

Những cây cầu gỗ tạm ở các khu dân cư ven sông Hậu được sửa chữa lại để các em học sinh đến trường hàng ngày.

Học sinh miền Tây lội nước đi học vì lũ từ thượng nguồn lên nhanh - 13

Chị Roki Ya (ấp Hà Bao 2) cho biết những ngày này nước lên cao, người dân phải học cách ứng phó, thích nghi với cuộc sống tứ bề là nước.

"Nước sinh hoạt trong gia đình dùng nước máy là chính, giặt giũ thì tranh thủ con nước buổi trưa khi phù sa lắng, ít đục để giặt áo quần. Mùa này bà con không thể dùng được nước giếng hay nước khoan", chị Roki Ya nói.

Học sinh miền Tây lội nước đi học vì lũ từ thượng nguồn lên nhanh - 14

Tại Làng dệt Đa Phước, một trong những điểm du lịch, mua sắm các mặt hàng thổ cẩm khá nổi tiếng của bà con người Chăm, mọi hoạt động kinh doanh, khách tham quan đều bị ngưng trệ, lượng khách giảm đáng kể.

"Những năm trước, mùa nước nổi vẫn có khách, năm nay nước lên cao hơn, khách gần như vắng hẳn. Cả ngày không có khách du lịch nào lui tới. Ngoài việc ảnh hưởng do bão lũ khắp các vùng miền, một phần do tình hình kinh tế năm nay khó khăn", chị Pha La (chủ một sạp kinh doanh hàng dệt thổ cẩm) chia sẻ.

Học sinh miền Tây lội nước đi học vì lũ từ thượng nguồn lên nhanh - 15

Dự báo đến ngày 6/10, mực nước sẽ tăng dần đạt khoảng 3,09m. Khu vực đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Khánh An và Châu Đốc (tỉnh An Giang) do ảnh hưởng lượng nước lũ sông Mê Kông về và thủy triều dâng cao nên mực nước trên các sông, kênh có khả năng tiếp tục lên và đạt giá trị cao nhất năm (đỉnh lũ) trong tuần giữa tháng 10.

Lũ năm nay đều ở mức cao hơn so với cùng kỳ 2023 từ 0,2-0,35m.