Hoãn mọi cuộc họp chưa cần thiết, cấm biển trước giờ bão đổ bộ
(Dân trí) - Trước diễn biến của cơn bão số 3, các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình đã yêu cầu các ngành, địa phương và đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp chưa cần thiết, tập trung chỉ đạo ứng phó bão; thực hiện lệnh cấm biển, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn...
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu thực hiện cấm biển, quản lý chặt chẽ đối với các tàu du lịch, tàu vận tải; neo đậu tàu thuyền, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; kiên quyết không để người dân ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ.
Rà soát, triển khai phương án sơ tán người tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở đất, nguy cơ xảy ra lũ quét đến nơi an toàn; sẵn sàng thực hiện sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực ven biển khi có lệnh.
Đồng thời, triển khai phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, biển hiệu, công trình xây dựng, kho tàng, bến bãi, chặt tỉa cành cây. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu...
Ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai ứng phó bão số 3. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Chiều tối ngày 17/7, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã triệu tập cuộc họp bất thường để triển khai các phương án phòng tránh thiệt hại tình hình mưa lũ sau áp thấp nhiệt đới và chủ động ứng phó với cơn bão số 3 đang tiến nhanh vào đất liền, nhiều nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến Thanh Hóa.
Từ đêm 13 đến hết ngày 17/7, hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến từ 100 đến 386 mm, một số nơi có lượng mưa lớn như: Tĩnh Gia 386,1 mm, Triệu Sơn 285,9 mm, Như Xuân 272,8 mm…
Mưa lớn trên diện rộng đã làm gần 6.100 ha lúa bị ngập, tập trung ở các huyện: Tĩnh Gia, Đông Sơn, Triệu Sơn, Hoằng Hóa; gần 900 ha hoa màu, 102 ha nuôi trồng thủy sản tại huyện Tĩnh Gia và thành phố Sầm Sơn bị ngập.
Trên địa bàn toàn tỉnh cũng có 465 hộ dân, 16 điểm dân cư bị ngập, 1 ngôi nhà bị đổ sập. Nhiều tuyến đường giao thông lớn của tỉnh, như Quốc lộ 15C, Quốc lộ 217, đường tỉnh 114 (từ Cầu Thiều đi Thượng Ninh), đường tỉnh 512D (từ thị trấn Mường Lát đi xã Mường Lý) bị sạt ta luy ở nhiều điểm. Riêng tuyến đường Tuần tra Biên giới bị sạt lở tại 90 vị trí với tổng khối lượng sạt lở khoảng 12.800 m3.
Mưa lớn trong những ngày vừa qua đã làm cho Cống Bông, thuộc hệ thống kênh tiêu Đa Bút - Hà Lĩnh, nằm trên địa bàn xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc bị sạt lở nghiêm trọng.
Vị trí sạt lở gần các hộ dân sinh sống, làm rạn nứt phần nhà chính, bếp, công trình phụ trợ của 2 gia đình ở thôn 8 xã Vĩnh An. Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ giúp các hộ dân sơ tán đến điểm an toàn.
Ông Nguyễn Đức Quyền yêu cầu các thành viên của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa phải sát sao, chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai theo sự phân công. Các địa phương ven biển cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh phải tiến hành “cấm biển”...
Bắt đầu từ 5 giờ ngày 18/7, các địa phương ven biển Nam Định thực hiện cấm biển, không cho ngư dân ra khơi; bằng mọi biện pháp thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; có phương án di dời dân đảm bảo an toàn tính mạng cho người và phương tiện khi neo đậu; kêu gọi, sơ tán người lao động canh coi tại các chòi canh ngao vào bờ xong trước 12 giờ ngày 18/7.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu các địa phương, sở, ngành hoãn tất cả các cuộc họp chưa thực sự cần thiết để tập trung chỉ đạo triển khai ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”.
Nam Định có trên 2.100 tàu thuyền với hơn 5.720 lao động. Tính đến sáng 18/7, đã có 2.021 phương tiện với 5.390 ngư dân vào nơi tránh trú bão an toàn. Ở khu vực ven biển Nam Định có hơn 1.000 lều, chòi nuôi ngao với trên 1.300 ngư dân, tất cả mọi người đã nhận được thông tin về cơn bão để chủ động vào bờ.
Nam Định cũng chuẩn bị sẵn sàng trên 43.300m3 đá hộc, gần 1.300 rọ thép, hơn 600.000 bao nilon, vải chống tràn để ứng cứu hệ thống đê xung yếu khi có sự cố xảy ra.
Tại Thái Bình: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền, các phương tiện hoạt động trên biển; thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động tránh trú an toàn, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; giữ liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống lụt, bão, kể cả phương án phòng, chống siêu bão, theo phương châm "bốn tại chỗ", khắc phục tư tưởng chủ quan, chông chờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai, bão lũ xảy ra.
Tăng cường kiểm tra hệ thống đê, kè, cống; chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đôn đốc việc cắt tỉa cành cây, chằng chống cây cối, nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện và các lồng, bè, chòi nuôi trồng thủy hải sản ven sông, ven biển; tập trung chuẩn bị phương tiện, nhân lực, vật tư tại các điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai các biện pháp xử lý bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn ven đê chủ động di dời người, tài sản và vật nuôi, thu hoạch cây trồng có thể thu hoạch được hoặc có biện pháp bảo vệ phù hợp ở các bãi thấp ven sông, cửa sông; canh gác đê theo cấp báo động khi có lệnh...
Duy Tuyên - Đức Văn