Hoa quả tồn dư nhiều chất bảo vệ thực vật vẫn được ưa chuộng

(Dân trí) - Dạo một vòng qua thị trường hoa quả mấy ngày nay, loại quả “tồn dư nhiều chất bảo vệ thực vật” vẫn chiếm thế thượng phong. Khách hàng người tỏ ra hoang mang, người khẳng định “đã tẩy chay”, song lượng quả bán được vẫn rất lớn.

Tại Hà Nội, từ những chợ đầu mối đến những chợ nhỏ, từ siêu thị đến sạp hàng bên đường, các loại táo đỏ, lê, nho, quýt... vẫn được bày bán tràn lan. Chị Hường, một tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Văn Quán (Hà Đông) cho biết mỗi ngày chị lấy rất nhiều loại quả, trong đó không thể thiếu táo đỏ, lê, quýt vì đây là những hoa quả quen thuộc, dễ ăn, giá thành lại vừa phải nên là sự lựa chọn của rất nhiều người.
 
Hoa quả tồn dư nhiều chất bảo vệ thực vật vẫn được ưa chuộng - 1
Lượng quýt, táo, lê bày và bán được vẫn rất lớn. (Ảnh: Hồng Hải)
 
Chị Hường tiết lộ riêng sạp hàng của chị hầu như ngày nào cũng bán hết veo một thùng táo (trên 12kg), một thùng lê (14-15kg) và một thùng quýt (trên 10kg). Chỉ tính riêng chợ Văn Quán đã có tới gần chục sạp hàng hoa quả như của chị Hường, chưa kể những xe thồ bán ngay ven chợ. “Riêng mùa này quýt lấy ít hơn vì đã là cuối vụ, mã không mấy đẹp nên người tiêu dùng không mặn mà. Còn đúng thời điểm mùa vụ trước đó, mỗi ngày, cửa hàng mình bán tới 3 thùng xốp”, chị Hường cho biết thêm.
 
Hỏi về nguồn gốc các loại quả này, chị thẳng thắn thừa nhận nguồn hàng là từ Trung Quốc. Tuy nhiên chị khẳng định so với các thùng xoài Thái hay Thanh Long của ta thì các thùng hoa quả này cũng không thấy có thêm chất gì đặc biệt hay mùi gì khó chịu. Riêng trong các thùng quýt luôn có một chai nước để ở giữa hộp xốp. Những hôm trời lạnh, nước trong chai đông thành đá, trời nóng thì giã thành thứ nước trong không mùi, không vị như nước lã.
 
Chị Phương, chủ một quầy hoa quả tại chợ Phùng Khoang (Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho biết quýt, lê, táo, nho đều là những loại quả không thể thiếu trên sạp hàng bởi với vị dễ ăn, quen thuộc, mức giá vừa phải, những hoa quả này được nhiều người chọn mua. “Bởi thế, dù nghe thông tin về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong các loại quả này nhưng người dân vẫn mua ăn như thường”, chị Phương nói.
 
Hoa quả tồn dư nhiều chất bảo vệ thực vật vẫn được ưa chuộng - 2
Đa phần người tiêu dùng không mấy quan tâm với thông tin "dường như đã cũ" này. (Ảnh: Hồng Hải)
 
Trong khi đó, một tiểu thương tại chợ Thanh Xuân Bắc lại khăng khăng tất cả các loại quả phóng viên nhắc tới đều là hoa quả Việt Nam. “Đến xoài Thái giờ còn trồng được ở Việt Nam thì quýt, táo, lê thiếu gì. Lê trên Sapa đầy, hàng này được chuyển về từ Lào Cai”, anh này tự tin nói. Ngay lúc đó một phụ nữ tới mua 3 quả lê. Chị này cho biết có nghe thông tin nhưng không quan tâm lắm vì con chị rất nghiện món này.
 
Thị trường hoa quả TPHCM luôn phong phú hơn ngoài Bắc về chủng loại, nhưng nhờ vẻ ngoài bắt mắt, giá cả vừa phải, nên những trái cây dư thừa chất bảo vệ thực vật như táo đỏ, lê, quýt, nho… không vì thế mà lép vế.
 
Hoa quả tồn dư nhiều chất bảo vệ thực vật vẫn được ưa chuộng - 3

Táo đỏ, lê, quýt,... luôn được chất đầy tại các sạp hàng hoa quả và được nhiều người hỏi mua. (Ảnh: Vân Sơn)

 

“Từ món tráng miệng hằng ngày cho đến đãi khách, nhà tôi đều dùng táo, lê, quýt vì nó vừa sang trọng lại hợp với khẩu vị của tất cả mọi người” - chị Thu Hương vừa lựa những trái táo đỏ sặc sỡ tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, vừa cho biết. Tôi nhắc chị loại trái cây này được thông báo có chứa chất BVTV rất cao, chị thoáng lưỡng lự nhưng rồi tặc lưỡi: “Bấy lâu nay vẫn ăn mà, có thấy sao đâu!”.

 

Khác với chị Thu Hương, anh Nguyễn Chí Hùng - một khách hàng tại chợ Thủ Đức - có vẻ “sốc”: “Sáng nay tôi cũng  thấy thông tin này trên báo. Thật kinh khủng vì từ lâu đến giờ gia đình tôi vẫn thường ăn những loại trái cây này. ‘Miếng ăn quá khẩu thành tàn’, tôi không muốn chỉ vì ăn trái cây mà phải mang bệnh”.

 

Tại các khu chợ hiện nay, những loại hoa quả trên vốn là mặt hàng mang tính chủ lực, chiếm từ 40 - 50% số trái cây được bày bán tại các sạp. Trên khắp các tuyến đường, những xe đẩy táo, lê, quýt... cũng nhan nhản và rất đông người hỏi mua.

 

Trước thông tin trái cây chứa nhiều tồn dư chất BVTV, chính người bán cũng hoang mang vì sợ mất khách. Một chủ hàng bên lề đường Kha Vạn Cân cho rằng: “Bây giờ mà nói đến chất độc thì thức nào cũng có chứ chẳng riêng gì trái cây, kiêng cữ thì chỉ có nước nhịn”.

 

Khảo sát nhanh trên khoảng 15 người tiêu dùng tại các chợ, điều khiến họ quan tâm nhất lúc này là việc làm thế nào để phân biệt được đâu là loại trái cây có chứa chất BVTV. Điều này ít thấy các phương tiện truyền thông đề cập đến.
 

Trong khi đó tại Đà Nẵng, chiều 25/3, theo khảo sát của PV, các loại trái cây trên vẫn được bày bán rất nhiều, trên những sạp hàng bắt mắt nhưng người tiêu dùng lại khẳng định các loại hoa quả trên họ đều đã “kiêng” từ lâu.

 

Chị Ngọc Hà (trú tại Q. Thanh Khê) cho biết: “Gia đình tôi vẫn hay mua các loại hoa quả ăn hàng ngày nhưng đã “kiêng” các loại quả trên từ lâu vì được cảnh báo là chứa nhiều chất bảo vệ thực phẩm”.

 

Theo các tiểu thương ở chợ đầu mối Hòa Cường (TP Đà Nẵng), các loại táo đỏ, lê, quýt hầu hết đều là hàng nhập từ Trung Quốc. Các loại hoa quả Trung Quốc thường để được lâu hơn hoa quả Việt Nam. Nếu như hoa quả Trung Quốc để được từ 10 - 15 ngày thì hoa quả Việt Nam chỉ để được 2 - 3 ngày. Cũng theo những tiểu thương này, năm nay lượng hoa quả Trung Quốc nhập về rất ít, chỉ còn khoảng 2/10 so với những năm trước. Nguyên nhân là do người tiêu dùng chỉ mua vào những ngày lễ để thắp hương cho đẹp chứ ít ăn.
 
Hoa quả tồn dư nhiều chất bảo vệ thực vật vẫn được ưa chuộng - 4

Nhiều người tiêu dùng Đà Nẵng cho biết loại hoa quả bắt mắt thế này họ đều đã "kiêng" từ lâu. (Ảnh: K.Hiền - K.Hồng)

Một tiểu thương khác tiết lộ, các loại táo bày bán ở chợ dù dán nhãn mác xuất xứ từ nhiều nước nhưng hầu hết là hàng Trung Quốc. Quan sát riêng của PV tại chợ đầu mối này, bao bì các loại táo, lê… cũng chủ yếu ghi xuất xứ Trung Quốc.

 

Chị Hạnh, một chủ hàng hoa quả, cho biết từ trước đến nay các loại táo, lê vốn đã ít người ăn; nay có thêm thông tin này lại càng khó bán. “Bán chạy được chỉ có các món trái cây hàng nội như bưởi, xoài, mãng cầu…”.

 

Ông Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Đà Nẵng, cho biết ngành chức năng TP vẫn thường xuyên thanh kiểm tra các nguồn hàng thực phẩm đã qua chế biến được bày bán tại các chợ trên địa bàn. Riêng việc thanh kiểm tra chất lượng các loại hoa quả tươi thì Chi cục chỉ phối hợp với cơ quan có trách nhiệm chính là Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản chứ từ trước tới nay vẫn chưa tiến hành kiểm tra lần nào.

 

Trao đổi với PV, ông Phan Tứ, Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản Đà Nẵng, lại nói Chi cục chỉ tiến hành thanh kiểm tra các nguồn hàng hoa quả xuất xứ trong nước, còn các loại hoa quả nhập khẩu nước ngoài do Bộ quản lý. 

 

Sáng ngày 24/3 tại Hà Nội, Hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia về VSATTP đã chính thức công bố kết quả giám sát của hệ thống phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trên 330 mẫu hoa quả, với hàm lượng tồn dư chất bảo vệ thực vật là gần 3%. Trong đó táo đỏ, lê, quýt, nho là những loại có tỉ lệ tồn dư chất BVTV cao nhất.

TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo: “Nếu người dân thực hành an toàn vệ sinh, như rửa hoa quả sạch dưới vòi nước chảy, gọt vỏ khi ăn sẽ giảm được nguy cơ này, do tồn dư hóa chất thường nằm ở ngoài vỏ. Dù như táo, người ta thường khuyên ăn cả vỏ vì ở vỏ có các nhân tố quan trọng nhất để bảo vệ tim mạch, nhưng tại Việt Nam, điều kiện vệ sinh chưa được tốt nên chúng tôi kiến nghị người dân không nên làm vậy”.

Một khuyến cáo nữa là người tiêu dùng không nên mua hoa quả trái vụ bởi lúc này, do thời tiết không thuận lợi, sâu bọ phát triển nên người nông dân phải sử dụng nhiều loại hoá chất bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, dễ dẫn đến tồn dư hóa chất cao hơn. Cũng không nên mua những loại quả có màu sắc, mùi vị khác thường.
 
Quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy, phần núm quả hay kẽ lá là nơi lưu giữ hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng nhiều nhất bởi chỗ đó thường lõm. Nên ngâm quả rồi hãy rửa. Cách rửa để tồn dư hóa chất trôi đi nhiều nhất là rửa liên tục dưới vòi nước chảy, vừa rửa vừa dùng tay sát nhẹ vào vỏ. Rửa liên tục dưới vòi nước chảy hoặc rửa bằng nước sạch nhiều lần thì từ 40-90% tồn dư hoá chất sẽ trôi đi.
 
Nhóm PV