1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp không “dẫm chân” Bộ Công an (!?)

(Dân trí) - Soạn thảo luật Hộ tịch, Bộ Tư pháp cho rằng việc xây dựng dữ liệu hộ tịch điện tử trên toàn quốc là cấp thiết và không hề “dẫm chân” cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà hạt nhân là số định danh cá nhân do Bộ Công an đang làm.

Báo cáo chỉnh lý dự luật Hộ tịch mới nhất của Bộ Tư pháp nêu vấn đề, hiện nay, nhiều nước đã ứng dụng thành công việc quản lý dân cư bằng “số hóa” và coi đây là phương thức quản lý hiệu quả. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương tại Việt Nam cũng muong muốn thực hiện công tác quản lý dân cư bằng biện pháp này.

Nghị định 90 ban hành năm 2010 của Chính phủ quy định về số định danh cá nhân là một trường thông tin cơ bản của công dân. Đây là bước khởi đầu cho công tác quản lý dân cư ở Việt Nam theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, do số định danh cá nhân phải được lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên Bộ Tư pháp chỉ rõ, chừng nào chưa triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì chừng đó việc cấp số định danh cá nhân còn chưa thể thực hiện được.

Để khắc phục tình trạng chậm trễ này, đề án 896 đã đưa ra nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn 2013 - 2014 là hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân. Theo đó, trước mắt, Bộ Tư pháp tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua luật Hộ tịch, tạo cơ sở pháp lý xác định nội hàm, giá trị pháp lý của số định danh cá nhân.
Hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp không “dẫm chân” Bộ Công an (!?)
Bộ Tư pháp dự định làm dữ liệu hộ tịch điện tử trên toàn quốc trong khi Bộ Công an cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Số định danh cá nhân sẽ được cấp thông qua thủ tục đăng ký khai sinh. Theo đó, khi đăng ký khai sinh, công tác Tư pháp - Hộ tịch sẽ cập nhật trực tiếp các thông tin cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh cung cấp cho người dân.

Thời hạn đề ra là từ 1/1/2016, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được vận hành.

Khi đó, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm dùng số định danh cá nhân để tra cứu, sử dụng thông tin cơ bản của cá nhân để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và công tác quản lý nhà nước. Các bộ ngành không cần thu thập, quản lý các thông tin cá nhân nữa. Cơ quan soạn thảo luật khẳng định, điều đó vừa bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí đầu tư, vừa bảo đảm thống nhất về thông tin cá nhân.

Theo nhiệm vụ được giao trước đó, Bộ Công an vẫn là cơ quan chủ trì việc xây dựng, quản lý và cấp số định danh cá nhân.

Hộ tịch điện tử song hành với số định danh cá nhân

Mối quan hệ giữa dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Tư pháp đề xuất quy định dữ liệu hộ tịch điện tử là bộ phận cấu thành của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được xây dựng phù hợp với cơ sở quốc gia về dân cư nhằm kết nối, cung cấp thông tin hộ tịch của cá nhân cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an – PV) không phải nhập lại những thông tin của cá nhân mà ngành Tư pháp đã thực hiện. Điều đó có nghĩa, căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ quy định lộ trình đăng ký hộ tịch trực tuyến để phục vụ lợi ích của người dân.

Ngoài những thông tin chung nhất của cá nhân được chuyển vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi đăng ký khai sinh (như họ tên, giới tính, ngày sinh, dân tộc, quốc tịch, họ tên cha mẹ, nơi thường trú) có thể chia sẻ được cho tất cả các bộ ngành địa phương khi có yêu cầu tra cứu thì cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử còn chứa đựng gần 100 trường thông tin khác. Các trường thông tin này liên quan đến tình trạng nhân thân của một người, kể cả những di/biến động, thay đổi, cải chính hoặc đã được xác định lại (như giới tính).

Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, đây là những thông tin quan trọng, phục vụ đắc lực cho công tác thống kê, dự báo, xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, dân số, giáo dục, y tế, quốc phòng. Đây cũng đồng thời là cơ sở để tra cứu, xác minh thông tin hộ tịch của cá nhân, cấp trích lục về hộ tịch, đảm bảo quyền và nghĩa vụ trong giao dịch dân sự của người dân, là căn cứ xác định trách nhiệm của cán bộ tư pháp hộ tịch khi có sự việc phát sinh. Do đó, đây được coi là thông tin đầu vào quan trọng của một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan (như cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp, quốc tịch…).

Cơ quan soạn thảo luật cũng khẳng định, khi dữ liệu hộ tịch điện tử đi vào vận hành, nhiều nội dung thông tin hộ tịch còn có thể phục vụ trực tiếp cho công tác tổng điều tra dân số, đảm bảo tiết kiệm đáng kể về chi phí cho công tác điều tra. Bộ Tư pháp so sánh, cuộc tổng điều tra dân số năm 2009 chi phí lên tới trên 400 tỷ đồng.

Việc đưa vào dự thảo luật Hộ tịch những quy định có tính nguyên tắc về việc xây dựng dữ liệu hộ tịch điện tử trên toàn quốc được khẳng định không hề “dẫm chân” đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an đang tiến hành và rất cấp thiết.

Tiếp thu ý kiến thẩm tra của UB Pháp luật, dự thảo lần này cũng chỉnh lý theo hướng bỏ quy định việc lập lại thông tin hộ tịch của trẻ em dưới 14 tuổi vào Sổ bộ hộ tịch. Lý do, theo lộ trình đề án 896, từ 1/1/2016, khi cơ sở dữ liệu quốc gia đi vào vận hành, cơ quan công an sẽ nhập thông tin công dân và cấp số định danh cá nhân cho những người đã đăng ký khai sinh trước thời điểm này (trong đó bao gồm cả người dưới 14 tuổi).

Khi dữ liệu hộ tịch điện tử được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì việc chia sẻ, cập nhật và tra cứu/khai thác thông tin công dân sẽ không còn là vấn đề khó khăn nữa. Do đó, việc lập lại thông tin hộ tịch cho trẻ em dưới 14 tuổi không còn cần thiết.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm