Hình ảnh so sánh thấy sự khác biệt Tam Đảo thế kỷ 20 và hiện tại
(Dân trí) - Đầu thế kỷ 20, Tam Đảo đã được qui hoạch là địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng. Đến nay trải qua một thế kỷ, thị trấn Tam Đảo đã trở thành một đô thị thu nhỏ bị "bê tông hóa" trên đỉnh núi.
Toàn cảnh thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Ảnh đen trắng (tư liệu) là thời điểm những năm 1920-1930. Ảnh màu được chụp ở thời điểm hiện tại.
Khu trung tâm thị trấn Tam Đảo thấy rõ sự thay đổi sau một thế kỷ.
Khi mới được phát hiện, người Pháp qui hoạch nơi đây là điểm nghỉ dưỡng vì có khí hậu mát mẻ, thiên nhiên tươi đẹp. Các công trình kiến trúc phần lớn được xây dựng theo kiểu kiến trúc Pháp.
Hiện nay, các công trình mới được xây dựng san sát, đa dạng kiến trúc và kiểu dáng, chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ, vui chơi của khách du lịch.
Những sườn núi thoáng đãng giờ đây đã dày đặc các công trình tầng tầng lớp lớp nằm sát nhau.
Phần lớn những kiến trúc đầu tiên đã không còn, các kiến trúc mới khá lộn xộn, mật độ dày đặc.
Tam Đảo ngày nay được ví như Sa Pa thứ 2 của miền Bắc vì có chung tốc độ phát triển du lịch và tốc độ xây dựng chóng mặt. Dịp nghỉ lễ, cuối tuần tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài cả cây số.
Theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quy mô xây dựng và dân cư thị trấn sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Theo đó, thị trấn Tam Đảo được định hướng phát triển thành khu du lịch cấp tỉnh với quy mô sử dụng đất khoảng 300ha, đón khoảng 300.000 lượt khách lưu trú/năm.
Không gian đặc trưng, đậm chất "thơ" của Tam Đảo nay gần như không còn.
Theo đánh giá của Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, khu vực trung tâm thị trấn Tam Đảo có mật độ xây dựng 45-50%, khu vực vùng ven có mật độ thấp hơn từ 15-20%.
Các công trình cao tầng chủ yếu được xây dựng ở khu vực trung tâm thị trấn với tầng cao từ 1-7 tầng. Trong ảnh là một công trình xây dựng lớn hàng đầu tại thị trấn.
Một dạng phòng du lịch cho thuê nằm trên khung giàn thép, tựa lưng vào núi.
Diện tích đất tự nhiên của thị trấn Tam Đảo hiện khoảng 214ha, trong đó đất xây dựng các khu chức năng đô thị là 74ha, đất khác hơn 140ha. Tại đây các công trình lớn, cao tầng đều là khách sạn, nhà hàng phục vụ du lịch.
Một khẩu hiệu bảo vệ rừng nằm lọt giữa thị trấn.
Một góc thị trấn Tam Đảo. Đây là điểm ngắm cảnh ưa thích của du khách.
Một phần khu trung tâm thị trấn Tam Đảo, nơi tiếp giáp với rừng.