1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hình ảnh người dân Ninh Thuận hối hả buộc tàu thuyền, chằng chống nhà cửa

(Dân trí) - Tính đến trưa 30/10, lực lượng chức năng tỉnh Ninh Thuận đã cơ bản hoàn tất công tác hỗ trợ người dân gia cố nhà cửa, di chuyển tàu, thuyền, lồng bè đến nơi an toàn trước khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền (dự kiến lúc 16h ngày hôm nay).

Trước tình hình bão số 5 đổ bộ vào đất liền có thể gây ảnh hưởng lớn đến tài sản của người dân nuôi trồng thủy sản, sáng ngày 30/10,  UBND TP Phan Rang – Tháp Chàm – tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với lực lượng bộ đội Đồn Biên phòng Đông Hải, dùng tàu chuyên dụng ra tận các bè nuôi để tuyên truyền cho người dân gia cố lồng bè để giảm thiệt hại về tài sản, vận động người dân nhanh chóng đưa các lao động trên bè vào đất liền trước 16h ngày hôm nay để tránh xảy ra thiệt hại về người.

Ngoài ra, Đồn Biên phòng Đông Hải yêu cầu các chủ bè ký cam kết đưa các lao động trên các bè vào đất liền trước thời gian quy định. Tổ chức chằng buộc lồng bè chặt chẽ; không để người trên lồng bè trong thời gian bão đổ bộ.

Hình ảnh người dân Ninh Thuận hối hả buộc tàu thuyền, chằng chống nhà cửa - 1
Lực lượng bộ đội Đồn Biên phòng Đông Hải yêu cầu các chủ bè nuôi cá ký cam kết

Anh Lê Quang Hạnh (ngư dân phường Mỹ Đông, TP Phan Rang – Tháp Chàm) cho biết: “Hiện tại tôi đã gia cố các lồng bè được khoảng 60%, hơn 2 tiếng nữa sẽ hoàn tất công việc và di chuyển nhanh vào bờ an toàn. Bè tôi có 2 lao động, tôi cũng đã cho 2 người này vào đất liền từ sáng nay”.

Hình ảnh người dân Ninh Thuận hối hả buộc tàu thuyền, chằng chống nhà cửa - 2

Lực lượng bộ đội Đồn Biên phòng Đông Hải giúp người dân gia cố các lồng bè nuôi hải sản

Ông Nguyễn Xuân Hảo, Phó Ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Phan Rang – Tháp Chàm, cho biết: “Trước tình hình diễn biến của bão số 5, chúng tôi đã huy động lực lượng tuyên truyền cho người dân gia cố các lồng bè và khẩn trương di chuyển nhanh vào đất liền trước 16h để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Kiên quyết không cho người dân ở lại các lồng bè”.

Ngoài ra, người dân ven biển tỉnh Ninh Thuận cũng đang khẩn trương chằng chống nhà cửa trước khi bão số 5 đổ bộ. Hiện các thuyền thúng cũng đã được người dân kéo lên bờ an toàn.

Hình ảnh người dân Ninh Thuận hối hả buộc tàu thuyền, chằng chống nhà cửa - 3
Hình ảnh người dân Ninh Thuận hối hả buộc tàu thuyền, chằng chống nhà cửa - 4

Bộ đội Biên phòng cùng lực lượng Dân quân tư vệ giúp người dân di chuyển thuyền thúng về nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra

Hình ảnh người dân Ninh Thuận hối hả buộc tàu thuyền, chằng chống nhà cửa - 5
Đến thời điểm hiện nay đã có hơn 1.866 tàu thuyền đã neo đậu tại các bến, cảng trong tỉnh
Hình ảnh người dân Ninh Thuận hối hả buộc tàu thuyền, chằng chống nhà cửa - 6
Hình ảnh người dân Ninh Thuận hối hả buộc tàu thuyền, chằng chống nhà cửa - 7

Các bao cát được người dân sử dụng chặn mái nhà.

Quảng Nam ban hành công điện ứng phó mưa bão

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5, từ ngày 30/10 đến ngày 4/11, các địa phương trên địa bàn tỉnh có khả năng cao xuất hiện một đợt mưa to đến mưa rất to trên diện rộng.

Để ứng phó với diễn biến của mưa bão, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có công điện yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố và các ban, ngành liên quan chủ động ứng phó.

Quảng Nam ban hành công điện ứng phó bão số 5

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đề nghị chủ các hồ chứa nước, công trình thủy lợi, thủy điện, nắm thông tin về mưa lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản. (Ảnh minh họa)

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão. Các địa phương ven biển, cửa sông sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu.

Yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên.

Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.

Công Bính

Hải Bình

Dòng sự kiện: Cơn bão số 5