“Đại hội Đảng, đừng để người thờ ơ vô cảm giữ trọng trách trong bộ máy!”
(Dân trí) - Chia sẻ day dứt trước cái chết bi thảm của cháu bé trên xe đưa đón trường Gateway, trước vụ công ty nước sạch sông Đà “bán nước bẩn cho người dân”… đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí phân tích, đó là biểu hiện báo động của sự thờ ơ vô cảm, thiếu trách nhiệm…
Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều 31/10 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói về thái độ thờ ơ vô cảm, thiếu trách nhiệm đang khá phổ biến, bắt đầu từ vụ cháu bé trường quốc tế Gateway bị bỏ quên đến tử vong trên xe đưa đón của trường.
“Ở đây tôi muốn nói về nỗi day dứt của mình mỗi khi nghĩ đến người lái xe thản nhiên tắt máy, đóng cửa xe mà không một cái nhìn lại, người phụ nữ đưa học sinh đến trường mà không hề kiểm đếm các cháu khi bàn giao, cô giáo chủ nhiệm mà cả ngày không biết có một học sinh trong lớp của mình vắng mặt. Xin lỗi thế nào với gia đình, với cháu bé xấu số đây?” – đại biểu thốt lên.
Sự thờ ơ vô cảm, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, theo ông Trí, cũng thể hiện ở vụ công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà lấy nước từ một hồ không an toàn lộ thiên về bán cho dân dùng nhiều năm mà không ai cảnh báo, nhắc nhở.
Sự thờ ơ vô cảm tệ hại đến mức, có người bị tai nạn cướp giật, bị đánh đập ngay giữa phố mà không ai giúp, một người tốt có thể bị kẻ xấu ném đá tới tấp trên mạng cũng không ai dám lên tiếng bênh vực.
Sự thờ ơ vô cảm, theo đại biểu, làm cho một tổ chức, một cơ quan chao đảo, trong đó, người ta thờ ơ vô cảm vì muốn được yên thân, vì nhỏ nhen, vì vụ lợi, vì muốn tham ô trục lợi, vì muốn trù dập người tốt. Đại biểu cảnh báo, thờ ơ vô cảm đã tiếp tay, đồng lõa với thiếu trách nhiệm. Thờ ơ vô cảm là vũ khí của kẻ xấu để hành động xấu.
“Sắp đến Đại hội Đảng, xin đừng để cho những người thờ ơ vô cảm, thiếu trách nhiệm với người dân, với doanh nghiệp giữ bất cứ trọng trách nào trong bộ máy công quyền” – ông Trí cũng kêu gọi chống lại sự thờ ơ vô cảm, thiếu trách nhiệm một cách mạnh mẽ trong việc xây dựng các đạo luật tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát hiện tố cáo người có thái độ và hành vi thờ ơ vô cảm, thiếu trách nhiệm.
Điều tử tế đặt cạnh cán bộ cấp cao nhận hối lộ triệu đô
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) đề cập những biểu hiện xuống cấp đạo đức như bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình… xảy ra ở một số địa phương. Chính phủ cũng xác định nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, tồn tại, trong đó chỉ rõ, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chưa làm tròn, chức trách nhiệm vụ được giao.
Đồng tình cao với nhận định này nhưng theo đại biểu, những nguyên nhân sâu xa gốc rễ của tình trạng trên còn chưa được chỉ rõ chưa được cắt nghĩa một cách thấu đáo. Ông phân tích, sau những năm đất nước mở cửa thực hiện công cuộc đổi mới, một số tiêu chí của hệ giá trị về đạo đức văn hóa ít được coi trọng, giữ gìn. Trước đây, xã hội được điều tiết bởi những hệ thống giá trị văn hóa truyền thống giúp con người sống, lao động, ứng xử có chừng mực. Những tấm gương đạo đức trước kia có tác dụng rất lớn để mọi người noi theo thì nay vị trí đó rất mờ nhạt.
Những nghề vốn được xem là cao quý như nghề y, nghề giáo cũng có những biểu hiện xuống cấp đạo đức vì lý do này. Nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc giờ đây bị thách thức bởi thói quen mới ra đời từ một cuộc sống vật chất tiện nghi hơn. Xã hội hiện đại còn bị chi phối bởi đồng tiền và lợi ích vật chất. Vậy nên các giá trị văn hóa nhân văn dễ bị kinh tế làm lu mờ.
Mặt khác, đại biểu phân tích, tình trạng một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hư hỏng như báo cáo Chính phủ nêu cũng gây tiêu cực và làm ảnh hưởng xấu đến xã hội.
“Bên cạnh những tấm gương người tốt, việc tốt, những điều tử tế, từ chuyện trẻ nhỏ nhặt được của rơi trả lại, chuyện người dân bình thường làm việc thiện… thì lại có những cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao tham nhũng, nhận hối lộ hàng triệu đôla. Đó là bức tranh tương phản rất đáng suy ngẫm, cần phải có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục” – đại biểu phát biểu.
Phát triển con người là mục đích cuối cùng
Trao đổi về giải pháp khắc phục sự phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế cũng như tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức và lối sống, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện xác nhận nhiều thách thức, bất cập, nảy sinh nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết.
“Giờ đây, chúng ta nói nhiều đến việc xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử văn minh công cộng, lối sống thực dụng cá nhân vị kỷ, tệ nạn, tội phạm xã hội... Rõ ràng rằng tất cả những vấn đề đó đều là vấn đề của văn hóa, liên quan đến văn hóa và có nguyên nhân từ văn hóa” - Bộ trưởng phát biểu.
Nhấn mạnh xây dựng văn hóa hay sự phát triển con người chính là mục đích cuối cùng của mọi sự phát triển, Bộ trưởng cho rằng, so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị - kinh tế, những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa còn chưa tương xứng, chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả đến việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh.
Để văn hóa thực sự hướng tới sự phát triển bền vững cho đất nước, Bộ trưởng nêu một số giải pháp, trong đó có giải pháp nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, người dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
Bộ trưởng Văn hóa nhắc lại, lúc sinh thời, Bác Hồ luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, Bác nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa chính là hồn cốt của dân tộc, là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững của đất nước”.
Phương Thảo