1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hiện tượng “tranh nhau làm nghèo” chỉ là thiểu số!

(Dân trí) - Việt Nam đã đạt nhiều thành tích đáng nể trong xóa đói giảm nghèo nhưng quá trình này chưa thực sự bền vững. Hiện tượng người dân “đua nhau làm nghèo” không phải là phổ biến...

Việt Nam đã làm được những điều "ngoạn mục" trong công cuộc xóa đòi giảm nghèo, đưa tỷ lệ nghèo từ gần 70% vào cuối những năm 1980 xuống còn 7.6% vào năm 2014. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, nay Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Trong năm 2014, Việt Nam xuất khẩu hơn 6,5 triệu tấn gạo và nhiều loại nông lâm thuỷ sản  với tổng kim ngạch đạt gần 31 tỷ USD.

Bên lề Lễ phát động và hội thảo khởi động xây dựng Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” tại Việt Nam vừa được tổ chức sáng nay, 14/1, tại Hà Nội, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi nhanh với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát về hiệu quả của sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát (Ảnh: N. An)
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát (Ảnh: N. An)

Việt Nam đã đạt được những thành tựu giảm nghèo rất đáng ghi nhận trong những năm vừa qua, nhưng theo đánh giá của Bộ trưởng thì việc giảm nghèo ở Việt Nam đã thực sự hiệu quả và có tính bền vững chưa?

Chúng ta đã rất nỗ lực và đã đạt được những thành tựu rất to lớn được quốc tế công nhận về xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, ở nhiều nơi tình trạng xóa đói giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Vì thế chúng ta cần phải tiếp tục các nỗ lực to lớn, đặc biệt là đối với những vùng miền núi, vùng có nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc – nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, có nơi tới 30%, thậm chí còn cao hơn nữa. Trong thời gian tới, ngoài những nỗ lực chung chúng ta cần có sự tập trung cao độ hơn để xóa đói, giảm nghèo ở những khu vực này.

Ở một số vùng nông thôn ở Việt Nam vẫn có tình trạng “thi đua làm nghèo” vì nhiều hộ tranh nhau được hộ nghèo để được hưởng những chế độ ưu đãi của nhà nước. Bộ trưởng có đánh giá gì về tình trạng này? Sắp tới chúng ta cần điều chỉnh cách tiếp cận giảm nghèo như thế nào để chấm dứt tình trạng trên?

Đúng là cũng có một số nơi có những biểu hiện đó nhưng theo tôi đó không phải là phổ biến và cũng không phải là vấn đề lớn. Cái chính là chúng ta phải đạt được những nền tảng căn cơ để giúp cho quá trình xóa đói giảm nghèo của chúng ta đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và giúp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của ta được bền vững. 

Theo tôi, thời gian vừa qua, Chính phủ đã có những giải pháp hợp lý, tuy nhiên, chúng ta cần có sự điều chỉnh để các giải pháp này đạt được hiệu quả cao hơn, và đặc biệt là phải tập trung nỗ lực vào các vùng còn tỷ lệ hộ nghèo cao, như vùng miền núi, vùng đồng bào các dân tộc sinh sống.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyên An