Việt Nam phấn đấu "Không còn nạn đói"
(Dân trí) - Năm 2014 Việt Nam xuất khẩu hơn 6,5 triệu tấn gạo, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 7,6%, hoàn thành những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) do Liên hợp quốc phát động. Việt Nam đang nỗ lực để đạt được mục tiêu “Không còn nạn đói” trong thời gian tới.
Việt Nam là một nước có diện tích đất đai không lớn - 33 triệu ha, trong đó có 10,3 triệu ha có thể sử dụng trong nông nghiệp. Năm 2013, dân số của Việt Nam đã đạt 90 triệu người -mỗi năm tăng thêm khoảng 1 triệu người - trong đó 70% sinh sống ở nông thôn. Vào cuối những năm 1980, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu trên 1 triệu tấn lương thực, tỷ lệ đói nghèo gần 70%.
Nhờ thực hiện đường lối Đổi mới, từ một nước nghèo - thiếu lương thực, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Năm 2014 Việt Nam đã xuất khẩu hơn 6,5 triệu tấn gạo và nhiều loại nông lâm thuỷ sản với tổng kim ngạch đạt gần 31 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,6% và cơ bản đã hoàn thành những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) do Liên hợp quốc phát động.
“Chính sự phát triển nhanh của nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực đã giúp Việt Nam đứng vững qua những cuộc khủng hoảng kinh tế của thế giới và khu vực, duy trì được tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bình quân khoảng 7%/năm trong 30 năm qua và bảo đảm được an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống người dân ngày càng được cải thiện tốt hơn.. Có thể nói phát triển nông nghiệp là biện pháp xoá đói giảm nghèo hiệu quả nhất cho các vùng nông thôn,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ phát động và hội thảo khởi động xây dựng Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” tại Việt Nam. Lễ phát động vừa được tổ chức sáng nay, 14/01, tại Hà Nội nhằm hưởng ứng Sáng kiến “Zero Hunger” – Không còn nạn đói của Liêp hợp quốc (LHQ).
Thủ tướng cho biết: Là một trong 8 quốc gia tích cực thực hiện thí điểm Sáng kiến “Một Liên hợp quốc”, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ và đồng hành với LHQ trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việc Việt Nam tham gia Sáng kiến “Không còn nạn đói” không chỉ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam tích cực hưởng ứng các hoạt động của LHQ mà còn là để đáp ứng các yêu cầu thực tế của Việt Nam.
Theo Trưởng đại diện FAO tại Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương Hiroyuki Konuma, Việt Nam đã giảm tỷ lệ duy dinh dưỡng và thấp còi ở Việt Nam từ 60% vào năm 1993 xuống còn 13% vào năm 2008. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn cao.
“Tham gia Sáng kiến “Không còn nạn đói” sẽ giúp chúng tôi làm tốt hơn công tác xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương và an ninh dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, nhất là những vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng dân tộc thiểu số và nhóm dễ bị tổn thương ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên - đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em - hiệu quả và bền vững hơn,” Thủ tướng khẳng định.
Sáng kiến “Không có nạn đói”được Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon đã đưa ra vào năm 2012 với 5 mục tiêu chính cần phải đạt tới năm 2025 gồm: 100% dân cư có đủ lương thực quanh năm; không còn trẻ em dưới 2 tuổi suy dinh dưỡng; hệ thống sản xuất kinh doanh phát triển bền vững; tăng năng xuất sản xuất và thu nhập của các hộ nông dân nhỏ; và không có thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm.
Hưởng ứng Sáng kiến này, Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ NN&PTNT là cơ quan đầu mối, phối hợp với các Bộ ngành liên quan cùng sự trợ giúp của Liên hợp quốc và các nhà tài trợ xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình/Kế hoạch hành động “Không còn nạn đói” của Việt Nam giai đoạn 2015-2025, trước mắt là kế hoạch thực hiện đến 2020.
Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói: “Chúng tôi nhận thấy đây là sáng kiến phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của người dân Việt Nam, phù hợp với chủ trương của Chính phủ Việt Nam”.
Để đạt được mục tiêu này tại Việt Nam, các cơ quan LHQ tại Việt Nam dưới sự chỉ đạo của điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật của FAO sẽ cùng hợp tác xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia thực hiện Chương trình Không còn Nạn đói tại Việt Nam (2016-2025). Kế hoạch Hành động Quốc gia này sẽ hỗ trợ cho Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn tới, đặc biệt là cho các chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm Nghèo Bền vững và Xây dựng Nông thôn Mới.
Thảo Nguyên