"Hiến kế" hiện thực hóa mục tiêu xây 1 triệu căn nhà ở xã hội

Hoài Thu

(Dân trí) - Nhấn mạnh phát triển nhà ở xã hội là chủ trương rất đúng và nhân văn, các ĐBQH kỳ vọng khi chính sách được thực thi, ước mơ về một căn nhà của hàng triệu người thu nhập thấp sẽ trở thành hiện thực.

Hàng loạt góp ý về chính sách xây dựng nhà ở xã hội để giúp hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được 1 triệu căn nhà ở xã hội, được các đại biểu nêu ra khi thảo luận về dự án Luật Nhà ở sửa đổi.

Giải quyết nhu cầu nhà ở cho hàng triệu người thu nhập thấp

Để giải quyết việc thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, ngày 3/4, Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Mục tiêu của đề án là đến năm 2030 xây dựng được trên một triệu căn nhà ở xã hội (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn); tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa.

Đề án đưa ra các định hướng chính sách cơ bản về xây dựng nhà ở xã hội như: chính sách về huy động nguồn vốn, về tài chính (tiền sử dụng đất, thuế, phí), về tín dụng (trước mắt là chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng), về giá nhà ở xã hội, về các chính sách đối với các chủ dự án...

Hiến kế hiện thực hóa mục tiêu xây 1 triệu căn nhà ở xã hội - 1

Dự án Nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư Tân Thuận Tây, quận 7 do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Xuân Mai Sài Gòn làm chủ đầu tư được khởi công hồi tháng 8/2022 (Ảnh: Hải Long).

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng trên 157.000 căn với tổng diện tích gần 8 triệu m2. Cả nước đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng trên 432.000 căn, tổng diện tích trên 22,5 triệu m2.

Riêng trong giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết đến 18/5, cả nước đã hoàn thành hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng hơn 19.500 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án với quy mô xây dựng gần 290.000 căn.

Gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng nhanh chóng được ban hành để "tiếp sức" cho Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Hiến kế hiện thực hóa mục tiêu xây 1 triệu căn nhà ở xã hội - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan mẫu nhà ở xã hội ở Bắc Giang (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Về đối tượng của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này, Bộ Xây dựng cho biết có khoảng 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (tại 36 địa phương) đã được cấp phép xây dựng, triển khai đầu tư xây dựng với tổng số 85.662 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang đã công bố 12 dự án đủ điều kiện vay vốn. Một số địa phương như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đang tích cực triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Riêng tại Hà Nội, hiện đã có hơn 4.000 căn hộ nhà ở xã hội được đưa ra thị trường và khoảng 40 dự án đang triển khai.

Để người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách nhân văn

Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nhấn mạnh phát triển nhà ở xã hội là chủ trương rất nhân văn, đúng đắn để giải quyết nhu cầu nhà ở cho hàng triệu người thu nhập thấp. Trước nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, ông góp ý việc xét đối tượng được mua nhà ở xã hội cần phải được tiến hành một cách công bằng.

Vị đại biểu cũng đề nghị rà soát, cắt giảm các điều kiện, thủ tục hành chính về hồ sơ giấy tờ chứng minh, xác nhận tạo thuận lợi cho người lao động được tiếp cận với chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội nhân văn này.

Hiến kế hiện thực hóa mục tiêu xây 1 triệu căn nhà ở xã hội - 3

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang - Vĩnh Long (Ảnh: Quốc hội).

Kỳ vọng Chính phủ và các ngành chức năng quyết liệt chỉ đạo triển khai các biện pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) góp ý cần tập trung vào các chính sách thí điểm ưu đãi tích hợp trong huy động vốn, tín dụng gắn với các chính sách về quỹ đất.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) muốn mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về phát triển nhà ở xã hội, đồng thời xem xét lại các quy định về điều kiện, đối tượng được hưởng hỗ trợ về nhà ở xã hội để nhiều người có thể tiếp cận chính sách này.

Để kiểm soát chặt chẽ giá bán nhà ở xã hội trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người mua, vị đại biểu đề nghị làm rõ các chi phí được tính vào giá bán, hoặc phải quy định các nguyên tắc, điều kiện, chi phí có thể coi là hợp lý, hợp lệ khi tính vào giá bán.

Hiến kế hiện thực hóa mục tiêu xây 1 triệu căn nhà ở xã hội - 4

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương (Ảnh: Quốc hội).

Nhìn lại thực tế, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương) cho biết hiện nay, số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước chưa có nhà, phải ở nhà thuê còn khá lớn.

Con số này còn cao hơn ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Tại Bình Dương, dù là tỉnh phát triển nhà ở xã hội thuộc diện tốt nhất cả nước, số công nhân lao động chưa có nhà ở, phải thuê nhà ở trọ chiếm trên 60%.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) kỳ vọng Luật Nhà ở sửa đổi lần này sẽ thể chế hóa được các chủ trương, nghị quyết của Đảng về chính sách đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp và đặc biệt là giải quyết được vấn đề hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp; tạo điều kiện tốt nhất để người công nhân, người lao động được tiếp cận dễ dàng với nhà ở xã hội.