Đề nghị xây nhà ở xã hội cho thuê thay vì chỉ bán
(Dân trí) - Nhấn mạnh cần có chính sách đột phá xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng nếu chỉ thiên về xây dựng nhà ở xã hội để bán sẽ không đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Những quy định và bất cập trong chính sách đầu tư nhà ở xã hội được các đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 19/6.
Nhà ở xã hội không phải nhà giá rẻ đi kèm chất lượng kém
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc) cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới nêu rõ định hướng phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, Nhà nước tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội.
Do vậy, theo đại biểu Thành, dự thảo luật cần làm rõ nội dung chính sách cho từng loại hình đối tượng, trong đó xác định rõ và đúng, thống nhất nội hàm nhà ở xã hội.
"Đề nghị mở rộng hơn khái niệm về nhà ở xã hội, tránh quan điểm bất thành văn nhà ở xã hội là nhà ở cho đối tượng loại 2, giá rẻ đi cùng với chất lượng kém, không đảm bảo các điều kiện sử dụng cho người dân", vị đại biểu nêu quan điểm. Theo ông, thực tế này đã tồn tại ở một số dự án thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận.
Nhấn mạnh quyền có chỗ ở an toàn, tốt hơn luôn là nhu cầu chính đáng của mọi tầng lớp trong xã hội, ông Thành đề xuất đưa khái niệm nhà giá thấp thay cho nhà giá rẻ trong tiếp cận, xây dựng chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở, cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.
Vị đại biểu cho rằng Nhà nước có thể sử dụng các công cụ thuế, tín dụng, hỗ trợ đầu tư từ ngân sách, chính sách đất đai để bù vào giá trị cần đầu tư tăng thêm trên nguyên tắc kinh tế thị trường để giảm giá bán, giá thuê nhà cho các đối tượng chính sách. Theo ông Thành, có thể coi đây là nguồn vốn đầu tư cho an sinh xã hội.
Nhấn mạnh cần có chính sách mạnh mẽ, đột phá để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, đại biểu Lâm Thành cho rằng nếu chỉ thiên về xây dựng nhà ở xã hội để bán sẽ không đáp ứng được nhu cầu xã hội cả về nguồn cung, cũng như tài chính của đại bộ phận nhân dân.
Trước đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển cũng góp ý nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nguồn cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên là chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân.
Nhà nước có thể có nguồn lực lớn đầu tư nhà ở xã hội cho thuê
Dùng quyền tranh luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho rằng đề xuất trên là hợp lý, nhưng nếu thực hiện, Nhà nước phải bỏ ra nguồn lực rất lớn, vượt khả năng thực tế. Còn với nhà đầu tư, việc bỏ tiền cục mà thu tiền lẻ cũng khó thu hút.
Vị đại biểu phản ánh nghịch lý hiện nay khi nhà ở xã hội có rất nhiều ưu đãi nhưng không phát triển, còn nhà ở do hộ gia đình, cá nhân xây dựng cho thuê lại phát triển rất nhanh và đảm bảo cung ứng chỗ ở cho phần lớn người lao động.
Do thiếu chính sách quan tâm nên các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng cho thuê tự phát, không theo tiêu chuẩn, điều kiện. Vì thế, người thuê chịu rủi ro về an toàn, vệ sinh môi trường, chi phí đắt đỏ (điện, nước).
Để tạo điều kiện cho người dân có chỗ ở, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, bên cạnh chính sách nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà lưu trú cho công nhân, nên có chính sách cụ thể với nhà do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng.
Ông đề nghị luật có quy định riêng về chính sách phát triển hình thức nhà ở này, khuyến khích xây dựng đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, chất lượng, có ưu đãi hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng, có chính sách với người thuê như giá điện, nước nhằm vừa đảm bảo chỗ ở, vừa giảm bớt khó khăn cho người dân.
Tiếp tục giơ biển xin tranh luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) thể hiện quan điểm không đồng tình với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành về việc cho rằng Nhà nước không đủ tiền để đầu tư nhà cho thuê.
"Nếu Chính phủ rà soát đất công, tài sản công còn hoang phí sẽ có nguồn lực tài chính rất lớn để đầu tư nhà cho người lao động thuê", ông Ngân góp ý.
Bên cạnh đó, vị đại biểu TPHCM đồng tình với ông Ngô Trung Thành trước đề nghị bổ sung quy định quản lý nhà trọ. Theo ông Ngân, hiện chủ nhà trọ giữ vai trò quan trọng hơn nhà đầu tư bất động sản trong đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động tại các đô thị lớn.
"Chính phủ nên trình Quốc hội có gói hỗ trợ chủ nhà trọ với lãi suất 0 đồng để nâng cấp, đảm bảo chuẩn hóa theo quy định, vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa huy động nguồn lực xã hội lo chỗ ở cho người lao động", ông Ngân nêu ý kiến.