1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Bình:

Hết “chê” người học cao lại tuyển ngành... trên mây

(Dân trí) - Dư luận những tưởng chị Hương đã tìm thấy công lý sau phiên tòa sơ thẩm nhưng hóa không phải: Sau 2 phiên tòa, án sơ thẩm bị hủy, người lao động không những bị “treo” việc mà còn vướng vào một cuộc chiến pháp lý khó tìm lối ra.

Hết “chê” người học cao lại tuyển ngành... trên mây - 1
Thay vì làm việc để đóng góp cho quê hương, chị Hương phải ôm đơn đi kiện vì quyết định ngược đời của Sở Nội vụ Quảng Bình.

Sở Nội vụ Quảng Bình “tiền hậu bất nhất”

Sau hai lần hoãn xử phúc thẩm, ngày 8/9/2009 TAND tối cao đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án hành chính thuộc loại “vô tiền khoáng hậu” giữa nguyên đơn là chị Trần Thị Diệu Hương (SN 1982, ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) và bị đơn là Sở Nội vụ Quảng Bình.

Tại tòa, đại diện Sở Nội vụ cho rằng do tin tưởng nên chỉ xem xét danh sách do Sở Y tế Quảng Bình trình sang mà không kiểm tra kỹ, vì thế không phát hiện chị Hương không thuộc đối tượng tuyển dụng theo quy định của Sở Nội vụ.

Theo đại diện này, Sở không công nhận kết quả trúng tuyển với chị Hương sau khi phát hiện ra sai sót nói trên và cho rằng đó là trách nhiệm của Sở Y tế, dù trước đó chính đề án tuyển dụng của Sở Y tế cũng như kết quả tuyển dụng đã được Sở Nội vụ ký duyệt.

Một điều khá khôi hài là nếu tuyển người đúng như ngành mà Sở Y tế thông báo (sau khi được Sở Nội vụ phê duyệt) là “Cử nhân cao đẳng công nghệ chế biến lương thực - thực phẩm” thì có lẽ chỉ có thể tuyển ở… cung trăng.

Bởi trước đó Bộ GD&ĐT đã có công văn trả lời TAND tỉnh Quảng Bình, khẳng định cụm từ “công nghệ chế biến lương thực - thực phẩm” không có trong danh mục ngành đào tạo của bất cứ trường ĐH, CĐ nào tại nước CH XHCN Việt Nam.

Khi tòa đưa ra dẫn chứng này, đại diện bị đơn vẫn một mực tuyên bố: đã không có chức danh như đề án tuyển dụng thì không tuyển, còn đã tuyển thì phải tuyển đúng ngành trên!

Trả lời câu hỏi của HĐXX, đại diện Sở Y tế khẳng định chị Hương là người có bằng chuyên môn tương đương, có đủ tiêu chuẩn nhất trong số các ứng viên xét tuyển vào chức danh này. Đại diện TTYTDP cũng khẳng định chị Hương làm tốt nhiệm vụ được giao trong hơn 3 tháng làm việc.

Việc Sở Nội vụ duyệt tuyển ngành học “lạ” chưa hề có ở nước ta có lẽ vẫn chưa lạ bằng chính cách giải thích “tiền hậu bất nhất” của Sở này. Bởi trước đó, khi vụ việc được báo chí phanh phui, Sở này đã giải thích lý do hủy kết quả tuyển dụng chị Hương là vì theo đề án chỉ tuyển cao đẳng, chứ không tuyển những người tốt nghiệp… đại học như chị Hương

Vậy là sau một lần nói đi và một lần nói lại, dư luận cuối cùng vẫn không thể hiểu Sở Nội vụ Quảng Bình không chấp nhận chị Hương là vì chị học cao quá hay vì chị không được đào tạo một ngành không tồn tại!

“Họa vô đơn chí”

Quay lại phiên phúc thẩm, sau khi đại diện Sở Nội vụ đưa ra lý lẽ cho rằng TAND tỉnh Quảng Bình thụ lý vụ án là không đúng quy định (Pháp lệnh cán bộ, công chức không quy định việc khởi kiện quyết định hành chính, còn nếu chị Hương khởi kiện TTYTDP vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được pháp luật cho phép nhưng đã… hết thời hiệu), HĐXX đã quyết định tạm hoãn phiên tòa vì có nhiều tình tiết cần làm rõ mà tại tòa chưa thể làm sáng tỏ.

Ngày 28/10 vừa qua, phiên tòa nối lại và tuyên hủy án sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Bình vì vi phạm quy trình tố tụng.

Bước ra khỏi phòng xử án, chị Hương chẳng hiểu mình sẽ làm gì tiếp theo khi TAND tối cao tuyên hủy án. Khóc tức tưởi, chị Hương hỏi bố: “Ba ơi, giờ con có được kiện nữa không? Nếu kiện thì kiện ai và kiện ở đâu để nỗi oan mất việc của con được giải quyết?”.

Lê bước đi bên cạnh con gái, ông Trần Xuân Hùng - người thương binh già từng một thời vào sinh ra tử ở chiến trường B và C cũng chỉ biết ngơ ngác quay sang hỏi các đồng đội cũ cùng ông vào dự tòa: “Giờ phải kiện lại à? Kiện như thế nào, kiện ai và đến bao giờ con tôi mới được đi làm lại?”.

Vụ án tạm khép theo cách trên khiến chị Hương rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan: muốn kiện tiếp Sở Nội vụ thì “vướng” Pháp lệnh cán bộ, công chức, ngược lại, muốn kiện TTYTDP huyện Bố Trạch vì chấm dứt hợp đồng thì đã hết thời hiệu.

Như vậy là sau 2,5 năm mất việc oan vì quyết định “trời ơi” bị dư luận lên án của Sở Nội vụ - quyết định mà các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình (trong kỳ họp cuối tháng 7/2007) đánh giá là “đi ngược lại sự phát triển của xã hội”, chị Hương vẫn chưa thể đòi lại công bằng, hơn nữa lại rơi vào một cuộc chiến pháp lý chưa có lối thoát.

Trên các văn bản giấy tờ, tỉnh Quảng Bình nói đang đẩy mạnh chính sách thu hút nhân tài. Qua vụ việc này xem ra Sở Nội vụ đang phản ánh một thực tế trái ngược.

Hồng Kỹ