PhotoStory

Hệ thống giếng cổ 5.000 năm tuổi "có một không hai" ở Quảng Trị

Thực hiện: Nhật Anh

(Dân trí) - Hệ thống giếng cổ ở xã Gio An, huyện Gio Linh (Quảng Trị) do người Chăm cổ xây dựng cách đây khoảng 5.000 năm và được người Việt giữ gìn cho đến ngày nay.

Hệ thống giếng cổ 5.000 năm tuổi có một không hai ở Quảng Trị - 1

Hệ thống giếng cổ Gio An hiện có 14 giếng, gồm: Côi, Dưới, Búng, Trạng, Đào (thôn An Nha); Gái 1, Gái 2, Nậy (thôn An Hướng); Tép, Ông, Bà, Gai (thôn Hảo Sơn); Máng (thôn Long Sơn) và Pheo (thôn Tân Văn).

Hệ thống giếng cổ 5.000 năm tuổi có một không hai ở Quảng Trị - 2
Hệ thống giếng cổ 5.000 năm tuổi có một không hai ở Quảng Trị - 3

Hầu hết các giếng cổ Gio An được người Chăm cổ xây dựng cách đây khoảng 5.000 năm (vào cuối thời kỳ đồ đá) và được người Việt giữ gìn cho đến ngày nay, các giếng được xây dựng dưới chân đồi đất đỏ bazan.

Hệ thống giếng cổ được tạo thành nhờ vào kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng đồi. Hệ thống giếng cổ ở Gio An là minh chứng cho lối ứng biến thông minh của con người trước thiên nhiên, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng đất.

Hệ thống giếng cổ 5.000 năm tuổi có một không hai ở Quảng Trị - 4

Năm 2001, hệ thống giếng cổ Gio An được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Theo người dân địa phương, từ xưa đến nay, dù thời tiết khô hạn, nước trong hệ thống giếng cổ chưa bao giờ cạn, vẫn trong xanh và mát rượi. 

Hệ thống giếng cổ 5.000 năm tuổi có một không hai ở Quảng Trị - 5
Hệ thống giếng cổ 5.000 năm tuổi có một không hai ở Quảng Trị - 6

Các giếng cổ là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho nhiều diện tích đất canh tác rau sạch và những cánh đồng lúa của người dân.

"Hệ thống giếng cổ có từ thời xưa, được người dân địa phương xem như "báu vật". Nước ở các giếng chẳng những sạch, mát mà còn không bao giờ cạn. Những ngày hè nóng nực, giếng cổ là địa điểm tắm mát, vui đùa của đám trẻ con", bà Nguyễn Thị Thu Hà (60 tuổi), trú xã Gio An chia sẻ.

Hệ thống giếng cổ 5.000 năm tuổi có một không hai ở Quảng Trị - 7

Ông Nguyễn Quang Chức, Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, cho biết hiện nay trên địa bàn có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, trong đó hệ thống giếng cổ Gio An được xem là di tích lịch sử độc đáo, mang tính chất lịch sử, văn hóa, kiến trúc, sinh thái của người Chăm cổ xưa.

Trải qua thời gian, đặc biệt là các cuộc chiến tranh, một số giếng cổ ở Gio An nay đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Để bảo vệ di tích này, Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị thường xuyên trùng tu.

Hệ thống giếng cổ 5.000 năm tuổi có một không hai ở Quảng Trị - 8
Hệ thống giếng cổ 5.000 năm tuổi có một không hai ở Quảng Trị - 9

"Theo đánh giá của cố giáo sư, nhà giáo Trần Quốc Vượng, hệ thống giếng cổ Gio An là một khu di tích "có một không hai", với hệ thống kiến trúc bằng đá mà người Chăm xưa xây dựng, khai thác nước, tìm và sử dụng nguồn nước. Đặc biệt, trải qua nhiều năm nhưng hệ thống giếng cổ vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, độc đáo", ông Chức nói.

Cũng theo ông Chức, vừa qua UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định phê duyệt dự toán lập quy hoạch bảo quản, phục hồi hệ thống khai thác và xử lý nước của 14 giếng cổ ở xã Gio An, huyện Gio Linh.

Hệ thống giếng cổ 5.000 năm tuổi có một không hai ở Quảng Trị - 10

Tổng dự toán lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống khai thác, xử lý nước của hệ thống giếng cổ hơn 3,2 tỷ đồng. Trong đó, chi phí khảo sát địa hình hơn 440 triệu đồng; lập nhiệm vụ quy hoạch hơn 440 triệu đồng; lập đồ án quy hoạch hơn 2,3 tỷ đồng; còn lại là các chi phí khác.

Hệ thống giếng cổ Gio An nằm trong chuỗi du lịch của huyện Gio Linh, với tour du lịch tham quan Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn - giếng cổ Gio An - biển Cửa Việt - tượng đài Giao bưu, thông tin liên lạc Dốc Miếu - Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.  Đây là tuyến du lịch mũi nhọn, được kỳ vọng đưa huyện Gio Linh trở thành một điểm đến về du lịch đầy tiềm năng, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng Quảng Trị trong tương lai.