Bình Định:

Nghìn người trẩy hội Đống Đa, uống nước giếng cổ cầu bình an

Doãn Công

(Dân trí) - Hàng nghìn người dân, du khách khắp nơi viếng thăm, thắp hương điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, sau đó đến giếng cổ nhà Tây Sơn rửa mặt, uống nước để lấy lộc, cầu bình an.

Hàng năm, bắt đầu từ mùng 4 Tết, người dân tỉnh Bình Định và du khách cả nước nô nức du xuân, trẩy hội Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) để tưởng nhớ tới công lao lẫy lừng của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Nghìn người trẩy hội Đống Đa, uống nước giếng cổ cầu bình an - 1

Lãnh đạo tỉnh Bình Định tổ chức nghi lễ dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài Hoàng đế Quang Trung tại Bảo tàng Quang Trung (Ảnh: Bình Định).

Trong 2 ngày 13 và 14/2 (mùng 4 và 5 Tết ), người dân và du khách đến khuôn viên bảo tàng để dâng hương tưởng niệm vua Quang Trung và các thủ lĩnh nhà Tây Sơn, sau đó đến khu vực giếng cổ của gia đình thân sinh Tây Sơn Tam Kiệt để rửa mặt lấy lộc cầu bình an; tham quan, chụp hình tại cây me cổ thụ…

Trong khi đó, nhiều người chọn đến giếng cổ để rửa tay, uống nước giếng, chỉnh trang áo quần gọn gàng rồi mới bắt đầu đến Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt để dâng hương, viếng lễ.

Nghìn người trẩy hội Đống Đa, uống nước giếng cổ cầu bình an - 2

Người dân, du khách xếp hàng uống nước giếng cổ nhà Tây Sơn (Ảnh: Bình Định).

Chị Nguyễn Thị Trúc Ly (35 tuổi, du khách đến từ Gia Lai) lần đầu tiên đến tham quan Bảo tàng Quang Trung dịp Tết. "Lễ hội thật đông vui, náo nhiệt. Đây là dịp để lớp trẻ như chúng tôi biết, nhớ về nguồn cội lịch sử dân tộc nhiều hơn", chị Ly nói.

Theo người dân địa phương, ngày xưa, cả làng Kiên Mỹ (thị trấn Phú Phong) chỉ có mỗi giếng nước trong điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt nên gọi là giếng làng. Sau này, làng Kiên Mỹ có thêm nhiều giếng mới nhưng người dân địa phương vẫn thích dùng nước giếng làng vì nước giếng rất trong, ngọt và mát.

Nghìn người trẩy hội Đống Đa, uống nước giếng cổ cầu bình an - 3

Một em nhỏ lấy nước giếng rửa mặt, sau đó uống nước để mong những điều bình an (Ảnh: Bình Định).

Điều đặc biệt, mùa nắng hạn các giếng trong làng Kiên Mỹ đều khô cạn nhưng giếng trong điện thờ không bao giờ cạn.

Trước đó, tối mùng 4 Tết, UBND tỉnh Bình Định tổ chức chương trình lễ kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2024) tại Bảo tàng Quang Trung với 400 nghệ sĩ, võ sĩ, ca sĩ, diễn viên tham gia.

Nghìn người trẩy hội Đống Đa, uống nước giếng cổ cầu bình an - 4

Lãnh đạo tỉnh Bình Định thực hiện nghi lễ tại Đài Kính Thiên (Ảnh: Doãn Công).

Lồng ghép cùng các tiết mục nghệ thuật có thêm các phần biểu diễn võ thuật cổ truyền Bình Định do các phái đoàn võ thuật thực hiện. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật có màn chiếu phim 3D "đại phá quân Thanh" và bắn pháo hoa tầm thấp 15 phút, để phục vụ người dân địa phương, du khách...