1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội:

Hậu quả lớn vì Chính phủ, Thường vụ Quốc hội không lắng nghe

(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân khẳng định, nếu kiến nghị giám sát của Quốc hội từ trước đến nay được xem xét nghiêm túc thì chắc chắn những vụ bê bối liên quan đến vốn ODA sẽ giảm. Ông cũng đề nghị điều tiết nguồn thu ngân sách hợp lý hơn để chấm dứt tình trạng ăn vào cả học phí, viện phí, lương cho giáo viên...

Thưa ông, trách nhiệm của thường trực Chính phủ và Thủ tướng trong vấn đề quản lý vốn ODA như thế nào?

 

Trách nhiệm là của tập thể, nhưng trong tập thể phải có phân công, phân nhiệm rõ ràng, ví dụ như ODA, không thể nói là trách nhiệm của Chính phủ. Trong Nghị định 17 nói rất rõ, Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) là cơ quan đầu mối trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA. Bộ Tài chính là cơ quan quản lý tài chính ODA. Tài chính mà không ổn thì Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm chứ không phải tập thể Chính phủ.

 

Qui định nói rõ, năm 2001 Bộ KHĐT phải ra qui chế mẫu để hướng dẫn trách nhiệm, quyền hạn của những Ban quản lý dự án. Anh Phúc (Bộ trưởng Võ Hồng Phúc) nói các Ban quản lý dự án muốn làm gì thì làm nhưng tôi thấy trước hết là trách nhiệm của chính Bộ. 5 năm rồi mà “ông” không cho ra được qui chế mẫu cho các Ban quản lý dự án.

 

Phải chăng những kiến nghị giám sát của QH không được Chính phủ lắng nghe nên xảy ra hậu quả như hôm nay, thưa ông?

 

Tôi nghĩ không chỉ Chính phủ không lắng nghe mà ngay cả Thường vụ QH cũng không lắng nghe. Tôi sẽ chuyển những bản kiến nghị, nhận xét về những lần giám sát năm 1999 (5 năm sau khi ODA tiếp nối lại) và năm 2003 (10 năm sau khi tiếp nhận ODA), có những cái thuộc phạm vi trách nhiệm của QH. QH có trách nhiệm xem xét ODA như một nguồn ngân sách, giải quyết những văn bản qui phạm pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, không đồng bộ. Đó là trách nhiệm của QH về lập pháp.

 

Trách nhiệm của Bộ KHĐT là tổng chỉ huy nguồn vốn ODA, Bộ trưởng Tài chính về quản lý tài chính. Mỗi người đều có trách nhiệm rõ chứ không thể đổ cho tập thể được.

 

Ý ông nói nếu năm 1999 những báo cáo giám sát và những kiến nghị của UB đối ngoại được lưu ý thì sẽ không xảy ra hậu quả như ngày hôm nay?

 

Tôi không nói là không xảy ra nhưng chắc chắn sẽ ít hơn. Ví dụ như tình trạng tuỳ tiện sử dụng mấy trăm chiếc xe ở PMU 18 ở ngay tại thủ đô thì Bộ Tài chính không thể nói không biết.

 

Giám sát năm 1999 có nêu vấn đề này?

 

Về Bộ GTVT tôi có nêu những thành tựu của ngành giao thông và cả những hiện tượng lãng phí, thất thoát và cũng đề nghị giám sát sâu hơn.

 

Ủy ban đối ngoại có giám sát ODA sao không theo dõi chặt chẽ, yêu cầu và thúc giục Chính phủ trả lời?

 

Uỷ ban đối ngoại đã có hai báo cáo giám sát (5 năm và 10 năm) với những kiến nghị cụ thể. Giờ trách nhiệm tiếp thu ý kiến trước hết là thuộc Chính phủ, UBTVQH và Uỷ ban đối ngoại vì đã giám sát nhưng không theo dõi.

 

Chúng ta phải rút kinh nghiệm về chất lượng giám sát, đó là tính chất pháp lý về những kiến nghị của đoàn giám sát và các biện pháp chế tài như thế nào.

                                                                       

Phát biểu trong phiên thảo luận, ông nói đến chiến lược tài chính còn nhiều thiếu sót?

 

Tôi nói chiến lược tài chính cần làm rõ, còn chính sách tài chính thì chưa làm cho những người quan tâm đến nền tài chính lành mạnh yên tâm.

 

Chính sách tài chính không chỉ là ngân sách, và ngân sách thì phải làm nở ra chứ không phải là quây quần chia nhau chiếc bánh. Ngân sách có phải là tận thu thuế hay không? Có phải khoan sức dân hay là khoan sức doanh nghiệp làm ăn chính đáng để người ta có lực cạnh tranh quốc tế? Ngân sách phải chăng là tận thu sổ xố kiến thiết để cân đối ngân sách của các tỉnh, thành? Nhiều tỉnh thành, con số có thể đến 30% hoặc nhiều hơn nữa.

 

Đây là lần thứ 3 tôi và nhiều đại biểu yêu cầu xem lại chủ trương này. Chính sách ngân sách của chúng ta là như thế nào để đến nỗi ăn vào cả học phí và viện phí, lương cho giáo viên và bác sỹ, trong khi đó chúng ta đòi hỏi chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng giáo dục, đòi hỏi y đức và đạo đức.

 

Tôi đề nghị từ năm 2007 phải chấm dứt tình trạng này.

 

Nếu giải trình của các bộ trưởng không thoả mãn thì theo ông sẽ thế nào?

 

Về mặt Đảng thì rút kinh nghiệm, còn về QH thì sẽ xem xét khi phê chuẩn vào các chức vụ mà Chính phủ đề nghị.

 

Nếu Chính phủ chỉ giới thiệu một, chọn một?

 

Cái này còn tuỳ thuộc vào QH.

 

Còn theo ý kiến cá nhân ông?

Tôi nghĩ thời kỳ một chọn một đã hết. Ngay cả bầu cử TƯ Đảng cũng có nhiều người trong danh sách hơn số trúng cử. Tôi hy vọng những chức vụ do QH bầu và phê chuẩn, số người được giới thiệu sẽ nhiều hơn số phê chuẩn.

 

Đức Hoà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm