1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM:

Hành trình đáng sợ của tàu cánh ngầm

(Dân trí) - Ngoài tàu cánh ngầm, các tàu vận tải khác và tàu thô sơ của người dân đi đánh bắt thủy hải sản cũng dàn hàng 3 hàng 7. Những buổi chiều muộn, trên biển xuất hiện sương mù, khuất tầm nhìn khiến hải trình tàu cánh ngầm càng không an toàn.

Không quan tâm sự an nguy của hành khách

Nhiều người nói, muốn biết tàu cao tốc hoạt động khẩn trương nhưng hấp tấp như thế nào thì nên chọn đi vào ngày cuối tuần. Khi đó, nhiều du khách đổ xô về Vũng Tàu du lịch, nghỉ mát. Còn chuyến cuối trong ngày chủ nhật người dân lại chen chân mua vé cho kịp chuyến về lại TPHCM. Sự nhốn nháo đó khiến không ít lần tàu cao tốc quá tải. Sau mỗi chuyến đi, cập bến xong là tàu lại đón khách, tiếp tục hành trình mới. Vì thế, ngày cuối tuần, giá vé cho một khách/hành trình là 250.000 đồng, cao hơn 50.000 đồng so với ngày thường.

Chúng tôi đón chuyến tàu Greenlines từ Vũng Tàu về TPHCM. Tàu xuất bến lúc 16h45 phút nhưng những hành khách trên tàu đã tỏ vẻ sốt ruột. Họ muốn đi sớm vì sợ trời tối, tàu không an toàn.

Con tàu nhỏ, cũ kỹ. Thân tàu có nhiều chỗ vá. Trông thôi đã đủ sởn da gà. Dù nội thất có vẻ tươm tất nhưng không thể che giấu được sự cũ kỹ. Phao cứu sinh được cất cẩn thận phía trên khoang tàu. Thử kéo một cái xuống, tôi cố hết sức cũng không dễ dàng lấy được áo phao ra. “Lỡ có sự cố thì làm sao mà lấy áo phao cho kịp”, Quốc Hưng, anh bạn đi cùng tôi thở dài. Khoang giữa chúng tôi ngồi, 4 số ghế vây tròn quanh một cái bàn. 4 vị trí của chúng tôi có lẽ là ghế phát sinh nên hoàn toàn không có áo phao. Chiếc quạt quay vù vù, hắc mùi dầu nồng nặc, nóng nực.

Tàu cao tốc không còn là tuyến giao thông ưu tiên
Tàu cao tốc không còn là tuyến giao thông ưu tiên
của nhiều hành khách sau các sự cố liên tục vừa xảy ra

Buổi chiều, đường đi của tàu không bình yên khi cứ bị sóng đẩy lên, dập xuống. Hai thanh niên ở khoang trước không chịu nổi áp lực nước cứ đánh vào mà họ trông thấy qua tấm kính, họ kéo nhau ra đuôi tàu ngồi. Khoang giữa của chúng tôi, một cô gái thu chân lại, người co ro sợ hãi khi thấy nước ở đâu loang lổ dưới chân.

Không có nhân viên nào hướng dẫn, quản lý hay nhắc nhở hành khách về các điều kiện an toàn. Tôi mở cánh cửa bước ra đuôi tàu, thấy 2 thanh niên lúc nãy ngồi hút thuốc mặc cho gió thốc, mưa tạt và buồng máy đang nổ xình xịch. Họ quên mất cảnh báo cháy. Mà có lẽ nếu hành khách nghịch ngợm, không tự ý thức, ngồi sau đuôi tàu, không may rớt xuống biển, nhân viên cũng chẳng ai hay.

Ra giữa biển rồi mà con tàu vẫn chưa đè được sóng nên cứ chao đảo khiến nhiều hành khách chóng mặt, buồn nôn. Trời bắt đầu mưa. Hai bên mạn thuyền toàn là nước biển mên mông.

Tàu cánh ngầm qua những địa phận có thời tiết phức tạp như vịnh Gành Rái, sông Lòng Tàu… (rộng hơn 10 hải lý), thường có sóng to, gió lớn. Đường đi của tàu cánh ngầm cũng bị cắt ngang cắt dọc bởi lâu lâu có những con tàu dân sinh khác xé sóng vụt qua. Một số tàu to chở hàng cứ lừ lừ giữa dòng nước. Đi qua những con tàu lớn này, tàu cánh ngầm lắc lư vì sóng nước.

Càng về đến địa phận sông nước TPHCM, mật độ thuyền bè trên sông càng dày. Các luồng thuộc địa bàn quận 2, quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ còn luôn phải căng mắt để tránh “đối đầu” với những chuyến đò ngang.
Áo phao bị buộc chặt, không dễ lấy nếu có sự cố khẩn cấp
Áo phao bị buộc chặt, không dễ lấy nếu có sự cố khẩn cấp

Trên con tàu Greenlines ngày cuối tuần về TPHCM, trời càng tối, sương càng mù, mưa nặng hạt, tầm nhìn từ trên tàu rất hạn chế.

Mới đây, tại Nhà ga hành khách ở cảng Cầu Đá (đường Hạ Long, TP Vũng Tàu), cảng vụ nội địa đường thủy Vũng Tàu đã quyết định cho hủy chuyến hoặc xuất bến khi chưa đủ hành khách ba chuyến tàu cuối ngày 11/8 gồm 16h, 16h30 và 16h45. Nguyên do là thời điểm này, giông to, sóng lớn xuất hiện. Nếu tàu còn neo sẽ gây va chạm mạnh giữa tàu cánh ngầm và cầu cảng, hành khách xuống tàu rất nguy hiểm và có thể gây hư tàu nên thuyền trưởng phải cho tàu xuất bến dù trên tàu mới chỉ có hơn 10 người xuống sớm.

Chấn chỉnh hoạt động tàu cao tốc

Trong buổi làm việc với PV Dân trí, ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cũng thở dài khi nói về thực trạng hoạt động của tàu cao tốc tuyến TPHCM - Vũng Tàu. Ông Chiến cho rằng, bản thân ông trong những lần đi tàu cao tốc, dù được ngồi ở vị trí VIP vẫn cảm thấy tàu cánh ngầm như chiếc "quan tài" đang bay, rất sợ. Đa phần tàu cao tốc đều là những tàu cũ được mua lại. Có những cái sản xuất từ những năm 1965-1985. Những chuyến cuối ngày thì thường rất nguy hiểm vì tầm nhìn bị hạn chế.

Ông Chiến cho biết, Cảng Vụ hàng hải Vũng Tàu thường xuyên kiểm tra về áo phao, số lượng hành khách, thiết bị chữa cháy... Tuy nhiên, về chất lượng máy móc của tàu do đơn vị đăng kiểm quản lý. Ngay cả hệ thống ra-đa, vì đắt tiền nên không chủ tàu nào trang bị. Hơn nữa, phía đăng kiểm không yêu cầu nên không chủ tàu nào tự ý làm.
 
Những tàu cánh ngầm hiện nay thuộc loại “câm – điếc – mù”. Tàu không có ra-đa  mà phải quan sát bằng mắt thường. Khi thời tiết xấu, dưới biển có đá hoặc vướng phải thanh sắt to thì xảy ra chuyện. Tàu không có hệ thống đài VHF để liên lạc. Khi có sự cố thì điện thoại di động sẽ không alo được nếu tàu đi qua khu rừng Sác – Cần Giờ vì không có sóng.
Nước bất ngờ xuất hiện dưới sàn khiến nữ hành khách hốt hoảng, thu chân ngồi co ro
Nước bất ngờ xuất hiện dưới sàn khiến nữ hành khách hốt hoảng, thu chân ngồi co ro

Hơn 20 tàu cánh ngầm đang hoạt động trên tuyến này đều chưa trang bị ra-đa. Lái tàu phải quan sát bằng mắt thường. "Cảng vụ cũng đề nghị các hãng phải trang bị ra-đa cho tàu, song họ bảo phía đơn vị đăng kiểm chưa yêu cầu nên chúng tôi không thể xử phạt", ông Chiến cho hay.

Để chấn chỉnh hoạt động của tàu cao tốc, ông Chiến cho rằng, trước hết, các tàu cần phải trang bị hệ thống ra-đa, có hệ thống đài VHF, hệ thống tự động nhận dạng AIS để liên tục cập nhật tình trạng tàu và hải trình đấu nối với hệ thống kiểm soát hải lưu (VTS).

Mặt khác, trước khi tàu xuất bến, nhân viên của tàu cũng phải biết hương dẫn vị trí, cách mặc áo phao, làm các thao tác trấn tĩnh hành khách khi gặp sự cố như các hướng dẫn viên hàng không để tạo tâm lý an toàn cho hành khách. 

Trên mạn tàu cần ghi rõ số điện thoại đường dây nóng của cơ quan chức năng có thẩm quyền để hành khách cấp báo khi cần sự trợ giúp, tàu có sự cố. “Cần cấm hoặc hạn chế các phương tiện tàu bè thô sơ để đảm bảo đường đi của tàu cánh ngầm. Phải chấp nhận thương đau, có lộ trình để giải tỏa áp lực hải trình cho tàu cánh ngầm, có như vậy, giao thông tuyến này mới an toàn được”, ông Chiến nói.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm