1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

“Thót tim” trên những chuyến tàu cánh ngầm

(Dân trí) - Những ngày qua, hành khách đi tàu cánh ngầm tuyến TPHCM - Vũng Tàu đều có chung tâm trạng phấp phỏng lo âu sau sự cố chìm ca nô làm 9 người chết trên biển Cần Giờ. Thực trạng thiếu an toàn của tàu cánh ngầm khiến hành khách bất an.

Những vụ tàu cánh ngầm “trôi tự do” trên biển

Trên hành trình từ TPHCM về Vũng Tàu hoặc ngược lại, dù tuyến đường trên Quốc lộ 51 đã hoàn thiện nhưng do tốc độ xe cộ lưu thông khá đông, tai nạn xảy ra nhiều nên hành khách dè dặt khi chọn phương tiện giao thông đường bộ. Lúc này tàu cánh ngầm là một lựa chọn tối ưu, tuy chi phí đắt nhưng rút ngắn thời gian đi lại và "có vẻ" an toàn hơn. Nhưng hiện nay, tàu cánh ngầm cũng đang bị hành khách quay lưng bởi vấn đề an toàn đang bị bỏ ngỏ.

Trong một thời gian ngắn, tuyến đường thủy này liên tục xảy ra sự cố. Ngoài vụ chìm ca nô làm 9 người chết trên biển Cần Giờ, mới đây nhất đã xảy ra một vụ tàu cánh ngầm chết máy, trôi tự do khiến hàng trăm hành khách hoảng loạn.

Sự việc xảy ra vào chiều 26/7 trên tàu cánh ngầm Greenlines 9 mang BKS 124N SG-4775 (thuộc Công ty cổ phần Dòng Sông Xanh) chở gần trăm khách từ Vũng Tàu về TPHCM. Khi đến khu vực sông Lòng Tàu (TPHCM), tàu chết máy. Chưa dừng lại, trong lúc nhân viên tàu đang cố gắng khởi động máy phụ thì chiếc tàu trôi tự do, tông một trụ cọc tiêu, chao đảo làm nước tràn vào tàu. Sự cố khiến gần 100 hành khách trên tàu, trong đó có nhiều trẻ em hoảng loạn.

Sau gần 1 giờ đồng hồ trôi lênh đênh, máy phụ của tàu đã được khởi động. Lúc này tàu của lực lượng cứu hộ thuộc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM đã đến được hiện trường. Đến gần 17 giờ, tàu cánh ngầm Greenlines 9 mới chạy chậm về đến bến Bạch Đằng, quận 1 dưới sự hộ tố của tàu cứu hộ cũng như các lực lượng liên quan. Đại diện của hãng tàu này đã phải bồi hoàn lại 50% số tiền mua vé cho hành khách sau sự cố này.
 
Cửa sau của tàu cánh ngầm Vina được cố định bằng... vải mục
Cửa sau của tàu cánh ngầm Vina được cố định bằng... vải mục

Đây không phải là lần đầu tiên tàu cánh ngầm của công ty Dòng Sông Xanh gặp sự cố. Ngày 15/8/2012, tàu Greenlines B3 của công ty này khi đang chở khách từ TPHCM đi Vũng Tàu cũng đã bị sóng đánh vỡ kính khoang trước ngay khi đến khu vực Bãi Trước, biển Vũng Tàu. Sự cố đã làm nước bắn tung tóe vào khoang trước khiến nhiều hành khách bị ướt sũng.

Ngày 25/11/2009, tàu Greenlines 10 chở 37 hành khách, trong đó có 3 người nước ngoài, khởi hành từ TPHCM đi Vũng Tàu. Khi vừa qua cầu Phú Mỹ đã bất ngờ đâm vào tàu của hãng Petro Express 2 đang chạy ngược lại. Cú va chạm đã làm 8 hành khách bị thương phải vào nhập viện. Tàu Petro Express 2 bị móp ở phần mũi. 

Những chuyến tàu bất an

Những ngày qua, nhiều hành khách đi tàu cánh ngầm tuyến TPHCM - Vũng Tàu có chung tâm trạng phấp phỏng lo âu sau sự cố chìm ca nô làm 9 người chết trên biển Cần Giờ. Lượt khách chọn loại phương tiện giao thông này giảm đi từ 30-40%. Thông tin thời tiết, mưa bão thất thường những ngày qua cũng là lý do khiến hành khách càng không mặn mà mấy với tuyến giao thông này.

PV Dân trí có dịp ngược xuôi trên các chuyến tàu cánh ngầm từ TPHCM đi Vũng Tàu và ngược lại để ghi nhận thực tế tình trạng hoạt động cũng như chất lượng của các tàu cánh ngầm này.

Tuyến giao thông đường thủy này có 3 công ty thực hiện việc chuyên chở hành khách gồm: Vina Express, Greenlines và Petro Express. Có hơn 20 chiếc tàu của 3 hãng này hoạt động nhưng đa phần là tàu cũ nhập về từ Nga và các nước Đông Âu. Có những tàu đã từng hoạt động chuyên chở 20 năm, sau đó các công ty Việt Nam nhập về để tân trang lại phần thân vỏ, máy móc rồi đưa vào khai thác, sử dụng. “Cũ người mới ta”, những con tàu rệu rã ấy hàng ngày phải vượt hàng trăm hải lý để đưa hành khách đi về trên tuyến TPHCM - Vũng Tàu.
 
Nhân viên của hãng tàu mải giới thiệu các chương trình khuyến mãi mà lơ là việc
Nhân viên của hãng tàu mải giới thiệu các chương trình khuyến mãi mà lơ là việc hướng dẫn an toàn cho hành khách

Trong buổi sáng, khi PV Dân trí đi trên con tàu Vina Express JSC của Công ty cổ phần tàu cao tốc Vina, nhận thấy lượng hành khách thưa thớt hơn trước. Khoang trước không mấy khách mặn mà chiếm chỗ, khoang giữa cũng còn chỗ trống, khoang cuối cũng chỉ có vài người.

Tàu chạy chuyến trưa, sóng nước yên lặng nên không mấy chao đảo và mệt mỏi. Tuy nhiên, tiếng động cơ chát chúa, mùi dầu hắc ra tạo sự khó thở. Mỗi khi tàu chao đảo, cánh cửa sắt rung bần bật. Phía cuối con tàu, 2 cánh cửa được khép lại bởi một sợi dây vải đã cũ kỹ, có dấu hiệu mục nát.

Vấn đề an toàn trên mỗi chuyến tàu cánh ngầm cũng được đề cao như những chuyến bay. Thế nhưng, khi bước lên tàu, không có một nhân viên nào của tàu thực hiện thao tác nhắc nhở, hướng dẫn an toàn cho hành khách. 3 nhân viên phục vụ căng tin chăm chú vào điện thoại hoặc đọc sách, còn một nhân viên thao thao bất tuyệt với các chương trình khuyến mãi. Chúng tôi tìm mãi cũng không thấy số điên thoại khẩn nào để hành khách có thể gọi khi tàu có sự cố.

“Nếu như tàu trục trặc, mình gọi cho ai?”, một hành khách hỏi. Cô nhân viên trả lời: “Tàu chết máy là chuyện bình thường anh ơi. Có chuyến chết máy 2 - 3 lần nhưng rồi vẫn chạy tiếp được. Hành khách không nên biết làm gì, biết thì họ mất bình tĩnh, nhốn nháo khiến mình khó xử trí, có khi lại... rách việc” (!). “Vậy gặp sự cố thì gọi ai?”, hành khách hỏi lại. “Lúc đó bên em sẽ gọi về công ty”, cô nhân viên cho biết.
 

Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, từ năm 2007 đến nay, năm nào cũng xảy ra sự cố với tàu cánh ngầm. Trong đó, năm 2012 đã có 6 vụ va chạm, chết máy, hỏng giữa hải trình. Hãng tàu gây ra sự cố nhiều nhất là Greenlines. Tàu cánh ngầm của hãng Vina Express cũng đã gây tai nạn làm chết một ngư dân vào tháng 9/2011.

(Còn tiếp)

Công Quang