Hành trang mang theo
(Dân trí) - Không chỉ là vũ khí của người lính, không chỉ là y cụ của người thầy thuốc, hành trang của 63 y, bác sĩ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 (BVDC 2.3) sang Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ quốc tế, còn có điều lớn lao hơn: Niềm tự hào dân tộc!
Đi, mang cả quê hương
Trước khi xuất kích, Trung úy Nguyễn Thị Loan kịp nói với tôi: "Em đã sẵn sàng". Đây là lần đầu tiên cô gái thuộc biên chế Bệnh viện Quân y 175 (BV175) tham gia Bệnh viện Dã chiến. Loan đã trải qua nhiều tháng huấn luyện chuyên môn và học thêm tiếng Anh theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc.
Không riêng gì Loan, đó là hai điều bắt buộc mà các thành viên của BVDC 2.3 phải có. Có điều, BVDC 2.3 lần này phải trải qua khóa huấn luyện trong bối cảnh dịch Covid ba lần bùng phát. "Có nhiều cái khó hơn so với hai lần trước, nhưng được các anh chị đi trước chia sẻ kinh nghiệm, em cũng dần vượt qua các thử thách", Thượng úy Đinh Văn Hồng bày tỏ.
Năm 2017, Hồng sang Úc huấn luyện cấp cứu đường không rồi trở về tham gia Đội Cấp cứu đường không BV175. Là Đội trưởng Đội Cấp cứu đường không BVDC 2.3, anh luôn tự tin với kinh nghiệm nhiều năm công tác của mình tại BV175.
"Anh đã chuẩn bị sẵn cho mình một tâm thế?", tôi hỏi. Thượng tá Hồng đáp lời ngay: "Đúng vậy. Đó là tâm thế của người lính, sẵn sàng phát huy hết khả năng của mình. Bởi đến Nam Sudan, chúng tôi là bộ mặt của Việt Nam, nên phải mang theo cả niềm tự hào dân tộc để góp phần gìn giữ hòa bình (GGHB) thế giới".
Trở lại Nam Sudan
"Nếu có cơ hội sống và làm việc ở một nước nào đó, khi mang quá nhiều tiền về làm kỷ niệm, có thể bạn sẽ trở lại chính nơi đó để tiêu nốt số tiền ấy", dòng trạng thái này được cô gái Phan Thị Vân Huyền đăng tải vài giờ trước Lễ Xuất quân BVDC 2.3. Kèm theo đó là một số tờ bảng Nam Sudan mà Huyền "tích cóp" khi công tác tại BVDC 2.1 - BVDC đầu tiên của Việt Nam tại Nam Sudan. Bây giờ, cô một lần nữa sang tận Đông Phi làm thiên sứ hòa bình.
Ba năm trước, nhận quyết định tham gia BVDC 2.1, Huyền nghĩ về bố mẹ. Rồi những trở trăn ấy được xoa dịu khi cô tỏ bày và được bố mẹ đồng ý. "Bố mẹ em cũng lo lắng vì em là con gái, Nam Sudan lại đang bất ổn", Huyền nhớ lại. Lần ấy, cô Kỹ thuật viên Phục hồi chức năng của BV175 đi 13 tháng, làm nhiệm vụ phục hồi chức năng cho bệnh nhân.
Nhớ lại giây phút mới đặt chân tới mảnh đất này, Huyền kể: "Em chợt nghĩ, sao bạn mình ở nhà xúng xính ăn diện còn mình lại chọn qua đây. Rồi cười, quan sát những điều lạ lẫm tại đây, bắt tay vào công việc. Có những đêm nằm ngủ, nghe tiếng súng mà giật mình. Rồi đến trại tị nạn, đập vào mắt em là hình ảnh tiều tụy của người dân Nam Sudan, của những đứa trẻ cả người chi chít vết thương".
Điều "khổ sở" nhất của Huyền và hầu hết mọi người, là rất khó tiếp cận internet. Vài tháng sau đó, họ mới được cấp 2GB data mỗi tháng để gọi điện về nhà. Khi ấy, nỗi nhớ nhà mới vơi đi ít nhiều. Vậy mà sau 13 tháng gian nan ấy, Huyền lần nữa trở lại nơi này.
"Chúng tôi sẽ trở về"
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tá Trịnh Mỹ Hòa luôn trong dáng vẻ tất bật, có lẽ vì anh đang mang một trọng trách lớn: Giám đốc BVDC 2.3. Vài ngày trước đó, anh được Bộ Quốc phòng thăng quân hàm trước niên hạn, từ thiếu tá lên trung tá. Hôm sau gặp tôi, anh cười: "Tất cả đã chuẩn bị xong hết rồi".
Vị bác sĩ chuyên khoa Nội Thần kinh BV175 nói rất nhẹ nhàng. Mà hình như đó là tâm thế chung của những cán bộ chiến sĩ của BV175, sẵn sàng cống hiến cho Tổ quốc, cho hòa bình thế giới.
"Anh sẽ đi bao lâu?", tôi hỏi. Anh bảo: "Chắc là lâu hơn dự kiến, vì dịch bệnh. Nhưng chúng tôi đã sẵn sàng cho điều đó". Rồi anh tiếp tục: "Có một câu chuyện thế này, lẽ ra các chuyên gia nước ngoài sẽ thực hiện chương trình huấn luyện, nhưng họ không sang được vì dịch Covid-19. Vì thế những người giàu kinh nghiệm của BVDC 2.1 mà phần lớn đang thuộc biên chế của BV175 đã huấn luyện chúng tôi, tất nhiên là theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc và chúng tôi đã hoàn thành thử thách ấy".
Câu chuyện ấy truyền đi một thông điệp mạnh mẽ, chúng ta có thể làm những điều lớn lao. Đó chính là tinh thần anh luôn hun đúc cho đồng đội trong quá trình tập luyện, cũng như trong những tháng ngày sắp tới bên Nam Sudan. Nhưng cũng không quên mệnh lệnh từ cấp trên của mình là Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc BV175: "Đi đủ thì về phải đủ quân số!".
Dáng chào hiên ngang của Trung tá Hòa nơi cửa máy bay như nhắn gửi rằng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ và trở về cùng niềm tự hào dân tộc!