Hang Sơn Đoòng được tìm thấy từ 18 năm trước
(Dân trí) - Hang Sơn Đoòng, được coi là hang động lớn nhất thế giới vừa được khảo sát và công bố tại Quảng Bình. Nhưng ít ai biết, cái hang “gió rít lạnh người” này đã được anh Hồ Khanh - một người dân địa phương phát hiện từ năm 1991.
Hang lớn nhất thế giới suýt bị lãng quên
Chúng tôi tìm đến chân Km 0 đường 20 Quyết Thắng ở xã Sơn Trạch để tìm gặp Hồ Khanh, người đã dày công nhiều ngày tháng lăn lộn giữa đại ngàn Phong Nha để đưa hang Sơn Đoòng lên bản đồ thế giới.
Chiếc áo màu đỏ có in bản đồ tổ quốc là món quà quý nhất mà đoàn thám hiểm tặng Hồ Khanh.
Trong một chuyến đi như thế vào năm 1991, đội tìm trầm của anh Hồ Khanh chia làm 4 mũi, xuyên rừng bạt núi kiếm kế sinh nhai. Đi cả ngày đường chợt trời đổ mưa nên tìm chỗ trú chân. Hồ Khanh chợt thấy một cửa hang, do đá và cây rừng che kín nên trông cũng “thường”.
Do đã gặp vô số cửa hang trong khu vực đá vôi vùng Hạ Đoòng, Hồ Khanh cũng chẳng có ấn tượng gì đặc biệt với cái hang này. Chỉ có một sự khác biệt khiến anh nhớ mãi, đó là khi bước tới cửa hang thì cảm thấy rõ luôn có một luồng gió mát lạnh trong hang thổi tốc ra, tiếng gió rít qua vách đá nghe lạnh người. Tò mò đấy, nhưng nhìn trong hang tối om, lạnh lẽo nên Hồ Khanh chỉ dám ngồi nghỉ ngoài cửa hang rồi đi tiếp.
Năm 1992, Hồ Khanh bỏ nghề trầm, trở về làm ruộng và làm thuê mướn quanh vùng để sống nên ký ức về cái hang “gió rít lạnh người” cũng lùi dần, nhường chỗ cho những toan lo cơm áo gạo tiền trong người bố trẻ của ba đứa con thơ. Thời gian đẩy đưa, những công việc thường nhật của người lao động nghèo như guồng quay kéo anh rời xa hang Sơn Đoòng cùng hàng chục hang khác mà anh đã tìm thấy trong thời trai trẻ tìm trầm.
Mãi đến năm 2006, khi vợ chồng Howard Limbert nghe người địa phương kháo mới tìm đến với Hồ Khanh sau nhiều chuyến tìm kiếm không được mỹ mãn. Nghe Hồ Khanh kể về một cái hang “gió rít 24/24 tiếng đồng hồ”, kinh nghiệm và sự nhạy cảm của một chuyên gia trong Limbert đã nhận biết được sự đặc biệt trong cái hang này.
Hồ Khanh nhận lời làm trưởng nhóm, dẫn đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh với khoản thù lao ít ỏi. Hai năm ròng rã với không biết bao nhiêu chuyến đi, Sơn Đoòng vẫn khéo léo giấu mình dưới những rặng đá vôi huyền diệu của Phong Nha, dù đoàn thám hiểm đã khảo sát được nhiều hang động đẹp khác.
Howard về nước cuối năm 2007, không quên dặn Hồ Khanh tiếp tục cuộc kiếm tìm. Y lời hẹn, Hồ Khanh lại tự bỏ tiền nhà sắm sửa lương thực, nước uống lên đường trong một ngày đầu năm 2008 với ý nghĩ đơn giản: “không tìm được động thì đi du xuân vậy”. Hai ngày dép cao su xà cạp vạch núi dò tìm, đến 2 giờ chiều ngày thứ hai, miệng hang đã hiện ra trước mắt Hồ Khanh sau 17 năm “lẩn trốn”.
Hồ Khanh nhớ lại: “Cái hang rộng là thế, nhưng đá và cây rừng khéo che khuất cả, đi cách chừng 20 - 30m mà không tinh ý là không nhận biết được đâu”. Hồ Khanh chạy vội đến cửa hang, gió vẫn táp vào mặt mát lạnh, tiếng rít vẫn như trong ký ức.
Cuộc chinh phục Sơn Đoòng
Thiên nhiên huyền ảo và hung dữ trong lòng hang Sơn Đoòng (Ảnh do đoàn thám hiểm cung cấp).
Bằng kinh nghiệm của của mình, Hồ Khanh đoán chắc chắn trong sâu có sông ngầm và ghềnh khúc khuỷu, lại có ít nhất thêm một miệng hang hút gió nên ở cửa này gió mới tốc mạnh theo cơn như thế. Nhưng đoán để mà đoán thế, còn Hồ Khanh vẫn nghĩ: hang Tiên Sơn và động Phong Nha là nhất, cái hang này có thể to nhưng sao sánh được, đã gọi “Phong Nha đệ nhất động” mà. Mặc dù vậy, đã được Limbert dặn dò và quyết không để Sơn Đoòng lưu lạc thêm lần nữa, Hồ Khanh ghi chép kỹ càng trước khi ra về.
Hơn một năm sau, đến cuối tháng 3/2009 Limbert mới quay lại và nhận được tin tốt lành từ Hồ Khanh. Limbert và đoàn lập tức lên đường, chuyến khảo sát dài ngày hơn thường lệ. Hồ Khanh dẫn đầu cùng với 4 thành viên đoàn thám hiểm và vài người gùi đồ vượt rừng đến Sơn Đoòng.
Vừa bước chân vào cửa hang, đón làn gió mát lạnh từ trong hang sâu, đoàn thám hiểm đã trầm trồ. Dù không rành Anh ngữ, nhưng nhìn nụ cười và ngón tay cái ra hiệu “number one” của Limbert, Hồ Khanh hiểu đây không phải là một cái hang bình thường như hàng chục hang mà anh đã dẫn đoàn tới trong ba năm hợp tác.
Hồ Khanh kể: “Càng vào trong, hang càng rộng, có đoạn rộng tới 400m. Đường đi khó và trong ánh sáng chập chờn của đèn pin, đoàn phải thòng thừng trước rồi cứ thế lần theo thừng mà đi. Trong hang có sông ngầm nước mát lạnh, trong vắt. Có đoạn qua ghềnh, nước đổ như thác nhỏ”.
Hang có nhiều rặng thạch nhũ hùng vĩ, đẹp như chốn Bồng Lai. Đoàn thám hiểm gọi loại nhũ trong hang là nhũ già, bởi theo các dấu vết địa chất thì loại thạch nhũ này đã hình thành qua hàng triệu năm. Theo Hồ Khanh, cách dễ nhất để phân biệt nhũ già và nhũ non là nhũ già “dưới đất mọc lên”, còn nhũ non “trên đỉnh mọc xuống”.
Đúng như Hồ Khanh phán đoán, khi vào được khoảng 2,5 km, đỉnh hang lộ ra một cửa vòm cao hun hút nhìn thấy trời. Đã quen với bóng tối, cả đoàn lóa mắt vì ánh sáng chói chang của mặt trời.
Đi được 6,5 km chiều dài, đoàn quay trở lại cửa hang sau khi đã quay phim, chụp hình, vẽ khảo sát và dùng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để xác định vị trí của Sơn Đoòng trên bản đồ thế giới.
Sơn Đoòng được đoàn xác nhận là hang lớn nhất thế giới, lớn hơn hang Deer - vốn được coi là thiên hạ đệ nhất động hiện nay. Còn Hồ Khanh, sáng nay vẫn ngồi nhấm nháp cốc trà, hút điếu thuốc chuẩn bị cho một ngày đi xáo hồ để kiếm sống.
Anh không hề biết, một kỳ tích vừa được ghi nhận. Còn chúng tôi cũng không biết, rằng buổi nói chuyện với người khách lạ đã làm anh mất đi nửa công phụ hồ.
Hồng Kỹ