TPHCM:

Hàng nhái, hàng giả, an toàn thực phẩm “đốt nóng” nghị trường

(Dân trí) – Không chỉ vấn nạn cướp giật lộng hành, tình hình hàng nhái, hàng giả, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm, chất vấn lãnh đạo các Sở, Ngành liên quan tại kỳ họp HĐND TPHCM.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh cho rằng hiện nay tình trạng hàng nhái, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng từ nước ngoài tràn vào Việt Nam rất nhiều. Mới đây, cơ quan chức năng TPHCM đã phát hiện vụ vận chuyển hàng hóa hiệu Gucci của Italia nhưng xuất xứ từ Trung Quốc vào nhập kho 88 Đồng Khởi, Q.1, TPHCM. Người dân rất hoang mang khi bỏ số tiền lớn mua hàng hiệu nhưng chất lượng không hiệu. Đại biểu Ngọc Thanh đề nghị Sở Công thương TPHCM nêu rõ công tác quản lý như thế nào, giải pháp đấu tranh ra sao mà hiện nay vấn nạn hàng dỏm vẫn diễn ra nhan nhản?.

Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, ông Nguyễn Văn Lai cho biết, trong năm 2012, Sở này đã phối hợp kiểm tra 15.556 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 4.183 vụ, thu 114,54 tỷ đồng, tăng 7,75% so cùng kỳ năm trước. Thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh kiểm tra, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân. Hàng lậu vi phạm lớn là hàng tiêu dùng, thời trang, đồng hồ, mắt kính, sản phẩm may mặc, giả da… Không chỉ nhập theo đường tiểu ngạch mà các mặt hàng này còn nhập theo đường nhập khẩu chính ngạch do khai gian.
 
Các đại biểu chất vấn tại nghị trường
Các đại biểu chất vấn tại nghị trường

Lãnh đạo Sở này cũng khuyến cáo: “Để tự vệ trước hàng nhái hiệu quả, doanh nghiệp cần nâng cao khả năng tự vệ trước hàng giả. Đồng thời, phía người tiêu dùng cần bảo vệ quyền lợi của chính mình bằng cách chỉ mua hàng từ các nhà phân phối, cửa hàng, đại lý, siêu thị, trung tâm thương mại”.

Đại biểu Trần Trọng Dũng nêu trường hợp vụ cháy nổ rất lớn ở nhà máy chiết ga An Dương (Thuận Thành, Bắc Ninh). Đây là nhà máy chuyên nghiệp, hiện đại nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Vậy nên, tình trạng sang chiết gas nhái ở TP vẫn diễn ra hàng ngày. Có 30% số bình gas giả ở thành phố mà người dân không thể phân biệt đâu là thật đâu là giả. Các hãng gas lớn của Hà Lan, Mỹ, Anh cũng rút khỏi thị trường Việt Nam vì không cạnh tranh nổi gas giả. Sở Công thương là đơn vị cấp giấy chứng nhận kinh doanh, đủ điều kiện kinh doanh thì có trách nhiệm thế nào? Kiểm tra bao nhiêu, rút giấy phép bao nhiêu?.

Giám đốc Sở Công thương cho biết, TP hiện có 18 doanh nghiệp kinh doanh và 27 tổng đại lý, 14 trạm chiết gas có giấy phép hoạt động, sức chứa 11.000 tấn. Năm 2011 TPHCM tiêu thụ 400.000 tấn khí gas. Sở Công thương cũng đã, đang và sẽ tích cực phối hợp với các lực lượng kiểm tra liên ngành để thắt chặt an toàn trong lĩnh vực này.
 
Việc sản xuất cafe cũng lạm dụng quá nhiều hương liệu, chất phụ gia độc hại
Việc sản xuất cafe cũng lạm dụng quá nhiều hương liệu, chất phụ gia độc hại

Đại biểu Từ Minh Thiện cũng chất vấn lãnh đạo Sở Công thương về công tác quản lý bán hàng qua mạng, việc quản lý, xử lý mua bán hóa chất tràn lan ở chợ Kim Biên (Q.5)…

Ông Nguyễn Văn Lai cho biết, việc bán hàng qua mạng là cũ của thế giới nhưng mới ở VN và TPHCM. TPHCM đã có những quy hoạch, thành lập phòng ban theo dõi, quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Công tác quản lý chợ hóa chất Kim Biên, Đoàn kiểm tra liên ngành, Quản lý thị trường đã thường xuyên kiểm tra. Sắp tới, sẽ quy hoạch lại chợ này. Hóa chất công nghiệp, hóa chất thực phẩm cũng quy hoạch để chợ này tách ra thành 2 lĩnh vực khác nhau. “Chủ trương này đã có. Chúng tôi nhìn thấy và sẽ có quy hoạch để tách ra”, ông Lai nói.

Chủ tịch HĐND TPHCM yêu cầu Giám đốc Sở Công thương nói rõ thời gian kết thúc kế hoạch thì ông Lai phân trần: “Chúng tôi muốn làm sớm nhưng vướng nhiều vấn đề như giải tỏa, di dời, tách sao cho phù hợp. Dời chợ nhưng phải có người buôn bán. Năm 2015 chưa chắc duyệt xong phần đất đai”.

Chủ tịch HĐND TP yêu cầu chốt lại thời hạn cuối hoàn thành việc giải quyết chợ Kim Biên thì ông Lai nói: “Năm 2015 phải làm cho xong”.

Liên quan đến chợ Kim Biên, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại khi thực phẩm đang “ngậm” rất nhiều hóa chất, phụ gia độc hại được lấy từ chợ này. An toàn vệ sinh thực phẩm đang thực sự đáng báo động khi người dân không dám ăn, uống vì cái gì cũng có thể có hóa chất.

Được mời lên hỗ trợ trả lời chất vấn của đại biểu, ông Nguyễn Tấn Bình – Giám đốc Sở Y tế cho biết, việc kinh doanh chất phụ gia, chất công nghiệp tại chợ Kim Biên còn chung với nhau nên rất khó quản lý. Trong giấy phép kinh doanh thì 2 hóa chất công nghiệp, chất phụ gia được kinh doanh chung nên rất khó giám sát.  

“TPHCM có 115 cơ sở sản xuất kinh doanh phụ gia. Chợ Kim Biên có 17 cơ sở lớn. Việc giám sát còn khó khăn, cần có những trang thiết bị để đánh giá. Cơ quan quản lý chưa dự đoán được nhà sản xuất đưa chất phụ gia nào vào thực phẩm để kiểm tra. Giải pháp của Sở Y tế là ngoài kiểm soát nguồn hàng nhập, kiểm soát việc mua bán tại các chợ đầu mối”, Giám đốc Sở Y tế cho biết.

Phát biểu tổng kết phần trả lời chất vấn của các lãnh đạo Sở, ngành, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ sự trăn trở của mình khi người dân dùng tiền thật nhưng mua hàng gian, hàng giả. Bà Quyết Tâm yêu cầu các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm chống hàng gian, hàng giả, quản lý chặt chẽ thị trường gas và giáo dục người tiêu dùng, nhà sản xuất để không bị ảnh hưởng bởi hóa chất trong thực phẩm.

Công Quang