Hang ngầm Karst lại “nuốt chửng” tiền tỷ
(Dân trí) - Sau cầu sông Dinh và cầu Quảng Hải, đến lượt cầu Châu Hóa đang thi công khiến ngành giao thông Quảng Bình đau đầu vì sự cố hang ngầm Karst. Hang nhiều tầng này khiến dự toán công trình “đội” thêm 5 - 6 tỷ đồng, kèm theo nỗi lo chậm tiến độ.
Cầu Châu Hóa bắc qua sông Gianh, có vốn đầu tư 64 tỷ đồng, được khởi công vào đầu năm 2009. Theo báo cáo khả thi, cây cầu này sẽ hoàn thành trong vòng 13 tháng. Theo BQL dự án khu vực chuyên ngành giao thông vận tải - Sở GTVT Quảng Bình (BQLDA), hiện nay cây cầu đã đạt 90% khối lượng thi công.
Cầu Châu Hóa đang thi công.
Tuy nhiên, mới đây cây cầu thi công trên nền địa chất đá vôi này đã “gặp nạn” với hang ngầm Karst. Theo BQLDA, khi thi công trụ T6 (trong số 7 trụ cầu), đơn vị thi công - Công ty 525 (thuộc Tổng Công ty CIENCO5) đã gặp phải sự cố sụt lún do hang ngầm Karst.
Sự cố này khiến 28 cọc trụ vừa đúc sâu từ 14 - 16m phải “vứt trắng”. “Vị trí hàng ngầm Karst này đã được phát hiện khi khảo sát. Đơn vị thiết kế đã chọn phương án lấp đầy hang bằng bê-tông tươi, ước tính tốn khoảng 350 - 400m3, phương án đã được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt.
Tuy nhiên, khi đúc các cọc bệ trụ thì phát hiện khối lượng không như dự kiến, khiến các cọc bị lún. Theo đánh giá, hang ngầm này có nhiều tầng, nếu chỉ thi công theo kiểu lấp bê-tông và đúc cọc sâu 14 - 16m thì không đảm bảo” - ông Lê Quang Minh - Giám đốc BQLDA cho biết.
Theo ông Minh, sự cố này khiến phương án thi công phải thay đổi, 28 cọc trụ T6 đã đúc coi như “bỏ đi”, thay vào đó đơn vị thi công phải đóng thêm 5 cọc khoan nhồi, mỗi cọc có đường kính 1m và sâu khoảng 30m xuyên qua các tầng hang.
Việc này không những làm tiến độ công trình chậm lại, mà còn khiến dự toán công trình đội lên từ 5 - 6 tỷ đồng.
Cầu chưa hoàn thành, song đã có 2 tai nạn chết người.
“Đến nay, mặc dù đã khoan thăm dò thêm nhưng không thể xác định được thể tích hang ngầm này, vì vậy chúng tôi buộc phải chọn phương án khoan nhồi, vì nó hạn chế rủi ro và ít chi phí hơn so với phương án lấp đầy” - ông Minh cho hay.
Trả lời thắc mắc vì sao đơn vị khảo sát thiết kế không định lượng được thể tích hang dù đã phát hiện hang khi khảo sát, ông Minh cho biết: “Đơn vị khảo sát đã thực hiện đúng quy trình khảo sát đối với địa chất Karst và khoan thăm dò ở mỗi trụ một lỗ khoan. Tuy nhiên, hang động Karst rất khó lường vì như cầu sông Dinh, chỉ cần khoan lệch đi 50cm là đã có kết quả một trời một vực”.
Chính vì thế, theo ông Minh, đơn vị khảo sát, thiết kế không hề có lỗi trong sự cố này.
Đây không phải là lần đầu tiên các cây cầu ở Quảng Bình “gặp nạn” khi thi công trên nền địa chất đá vôi. Đầu năm 2006, nhiều cọc nhồi của trụ T5 cầu Quảng Hải 2 đã đồng loạt sụt lún rồi chìm xuống lòng sông.
Lúc đó, dư luận đã đặt vấn đề về trách nhiệm của đơn vị khảo sát, thiết kế song cuối cùng chủ đầu tư Sở GTVT Quảng Bình khẳng định nguyên nhân do hang ngầm Karst và phải thay đổi phương án thi công. Sự cố đó cùng với nhiều lý do khác khiến cây cầu này bị chậm tiến độ nhiều năm, và số vốn đầu tư 82 tỷ bị nâng lên tới hơn 170 tỷ đồng.
Trước đó, cây cầu Khe Rin (nằm trên đường Hồ CHí Minh) cũng “dính” sự cố Karst và khiến các bên liên quan phải đau đầu xử lý.
“Thi công cầu trên nền đá vôi luôn có mức độ rủi ro cao. Mặc dù hiện nay, việc xử lý sự cố Karst không phải là quá sức, song không có cách nào để phát hiện chính xác và định lượng được các hang ngầm dù quy trình khảo sát trên nền địa chất này được quy định rất nghiêm ngặt”, ông Minh trả lời câu hỏi về bài học có thể rút ra sau những sự cố liên tiếp.
Quay lại với cầu Châu Hóa, mặc dù chủ đầu tư cam kết sẽ xử lý tốt sự cố Karst và bác bỏ vấn đề trách nhiệm đối với đơn vị khảo sát, dư luận lại thêm một lần lo lắng liệu cây cầu này có sa vào “vết xe đổ” của cầu Quảng Hải (cũng trên dòng sông Gianh), nhất là khi cầu Châu Hóa chưa hoàn thành đã liên tục gặp tai nạn khiến 2 người mất mạng?
Hồng Kỹ