1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI:

Hàng loạt vụ án nổi cộm sẽ được "mổ xẻ"

(Dân trí) - Vụ PMU 18 với sự liên quan trách nhiệm của 4 bộ, vụ Nguyễn Lâm Thái, tiêu cực ở Thanh tra Chính phủ, vụ cầu cảng Thị Vải… Tất cả sẽ được xem xét trong kỳ họp Quốc hội sắp tới. Về mặt nhân sự, cho đến lúc này mới có tờ trình miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông Vận tải là chính thức.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh cho biết trong cuộc họp báo giới thiệu nội dung kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI sẽ bắt đầu từ ngày 16/5 tới đây.

 

Nhân sự cho vị trí chủ chốt: Chưa có thông tin chính thức

 

Kỳ họp này, Quốc hội (QH) sẽ tiếp tục hoàn thành nhân sự cho vị trí Tổng kiểm toán nhà nước (kỳ họp thứ 8, cả hai ứng cử viên đều không đạt yêu cầu). Theo qui định, QH phải trình danh sách nhân sự cho vị trí này sau khi trao đổi với Chính phủ.

 

Câu hỏi mà rất nhiều PV quan tâm đó là chức danh Chủ tịch QH có thay đổi? Nhân sự cấp cao của Nhà nước sẽ được bầu như thế nào? Ông Thanh cho biết, hiện vẫn chưa có thông tin chính thức. Về thông tin ông Hồ Đức Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH sẽ nhận nhiệm vụ mới, ông Thanh khẳng định, trường hợp của ông Việt vẫn ổn định vì theo qui định, đại biểu có thể kiêm nhiệm. Hơn nữa, QH khoá XI chỉ còn một năm nữa nên vẫn giữ ổn định để hoạt động.

 

Vấn đề ông Cù Huy Hà Vũ, tự ứng cử chức Bộ trưởng Văn hoá thông tin, ông Thanh cho biết, đã gửi công văn đề nghị ông Vũ gửi yêu cầu đến Thủ tướng Chính phủ, nếu Chính phủ trình thì QH sẽ xem xét vì theo trình tự, Thủ tướng phải trình nhân sự để QH xem xét...

 

Một số vị trí ứng cử vào các chức vụ chủ chốt sẽ phải trình bày vắn tắt cương lĩnh hoạt động trước QH để các đại biểu đánh giá được khả năng của người đó.

 

Báo cáo hàng loạt các vụ án lớn

 

Ngoài vấn đề nhân sự, việc đưa vào chương trình nghị sự báo cáo của các cơ quan chức năng về một số vụ án nổi cộm trong thời gian qua cũng được đề cập.

 

Về vụ án PMU 18, ông Thanh cho biết đã làm việc với Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ  và trong kỳ họp này Chính phủ sẽ có báo cáo chung về việc sử dụng các nguồn vốn lớn, trong đó, sẽ có một số báo cáo thành phần để thông tin cụ thể hơn về vụ án này. Bốn Bộ sẽ phải báo cáo về trách nhiệm của mình: Bộ GTVT báo cáo về sự việc này và cá nhân nguyên thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo về việc huy động và quản lý các dự án, Bộ Tài chính báo cáo về việc quản lý vốn, Bộ Xây dựng báo cáo về việc quản lý trong lĩnh vực xây dựng…

 

Các vụ án khác được nhắc đến là vụ án Nguyễn Lâm Thái câu kết với hơn 30 bưu điện các tỉnh rút tiền tỉ của nhà nước; vụ cầu Văn Thánh II (sẽ phải có báo cáo của UBND TPHCM và Bộ GTVT về trách nhiệm và hướng xử lý); vụ tiêu cực ở Thanh tra Nhà nước, trong đó có việc Tổng thanh tra Nhà nước được biếu quà; Vụ cầu cảng Thị Vải (báo cáo điều tra bước đầu, trách nhiệm của một số cá nhân, đơn vị và việc nghiệm thu); Báo cáo về vụ một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ để quên cặp tiền trên máy bay…

 

Không còn kiểu trình bày dài dòng

 

UBTVQH đã thống nhất yêu cầu các bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ phải có văn bản trả lời chất vấn của các đại biểu trước, chứ không đọc văn bản tại hội trường nữa. Trước đây, các bộ trưởng có 20 phút đọc văn bản và 40 phút trả lời chất vấn thì giờ chỉ còn 50 phút trả lời trực tiếp. “Thời gian tiết kiệm được có thể sẽ chất vấn thêm được một bộ trưởng nữa”, ông Thanh nói.

 

Trong phần hỏi và trả lời chất vấn, câu hỏi của đại biểu cũng phải có trọng tâm, chỉ trong 1-2 phút và câu trả lời cũng chỉ giới hạn từ 4-5 phút.

 

Chủ trương của QH là tăng cường công tác giám sát. Chính vì vậy, lần này QH sẽ nghe báo cáo giám sát tới 4 chuyên đề (trong các kỳ họp trước, chỉ nghe báo cáo một chuyên đề): Báo cáo về việc thực hiện qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo luật đất đai; Báo cáo về tình hình thực hiện Pháp lệnh dân quân tự vệ; Báo cáo về tình hình thực hiện pháp luật về dân số, người cao tuổi và người tàn tật; Báo cáo kết quả giám sát về việc các cơ quan tiến hành tố tụng ở quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thực hiện thẩm quyền mới theo qui định của Bộ luật tố tụng hình sự và dân sự.

 

Quốc hội cũng sẽ thông qua 10 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 13 dự án luật, trong đó đáng chú ý có dự án luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

 

Đ.Hoà - C.Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm