Đề xuất tháo dỡ lô cốt quân sự cũ trên Kinh thành Huế
(Dân trí) - Quân khu 4 đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá thực trạng các lô cốt một cách chặt chẽ, cho thấy được việc cần thiết phải tháo dỡ các công trình.
Chiều 6/6, Thượng tá Phan Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, xác nhận đã kiến nghị Bộ Quốc phòng về chủ trương tháo dỡ, chuyển đổi mục đích một số công trình quốc phòng cũ tại khu vực di tích Kinh thành Huế, nhằm trả lại giá trị nguyên trạng của di tích, bảo đảm không gian, cảnh quan môi trường trong khu vực.
Trước đó, đoàn công tác Quân khu 4 đã khảo sát và làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tháo dỡ, chuyển đổi mục đích sử dụng các công trình quốc phòng khu vực Thượng thành thuộc di tích Kinh thành Huế.
Theo thống kê, hiện nay khu vực di tích Kinh thành Huế có 31 công trình quốc phòng cũ, trong đó có 26 công trình là lô cốt, 2 vọng gác, 2 hầm ẩn nấp và 1 trận địa phòng không.
Các công trình trên đều do quân đội Mỹ xây dựng khoảng từ năm 1957 đến 1975, theo thời gian đã bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến mỹ quan khu di tích.
Qua đánh giá, các công trình không còn mang lại hiệu quả trong khu vực phòng thủ.
Do đó, tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị Bộ Quốc phòng đồng ý chủ trương tháo dỡ, chuyển đổi mục đích các công trình quốc phòng cũ, trả lại giá trị nguyên trạng của di tích Kinh thành Huế, đảm bảo không gian, cảnh quan môi trường trong khu vực.
Tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện lãnh đạo Quân khu 4 thống nhất kiến nghị, đề xuất của địa phương trong việc tháo dỡ, chuyển đổi mục đích sử dụng các công trình quốc phòng tại khu vực di tích Kinh thành Huế.
Quân khu 4 đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá lại thực trạng các lô cốt một cách chặt chẽ, trong đó phải cho thấy được việc cần thiết phải tháo dỡ các công trình, đồng thời khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để đề xuất Bộ Tư lệnh Quân khu và Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng sớm có quyết định tháo dỡ.
Năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu triển khai đề án "Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế" với khung chính sách đặc thù của Chính phủ.
Sau 5 năm thực hiện giai đoạn 1 của đề án, địa phương đã triển khai tại 11 khu vực với khoảng hơn 5.000 hộ dân; xây dựng 10 khu tái định cư với tổng diện tích gần 83ha.
Giai đoạn 2 (2023-2025), tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng đối với khoảng 1.287 hộ dân ở 19 khu vực di tích còn lại.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt, triển khai hạng mục dọn dẹp vệ sinh, hoàn trả mặt bằng sau khi di dời với kinh phí 54 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.
Được biết, việc dọn dẹp vệ sinh, hoàn trả mặt bằng bắt đầu thực hiện từ cuối tháng 6/2023, đến nay tổng khối lượng công việc đã triển khai đạt 53%, chủ đầu tư đã giải ngân 19 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, các nhà thầu đã phải tạm ngừng triển khai công việc do gói thầu chưa được bố trí nguồn vốn còn lại.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay dọc khu vực tường thành Kinh thành Huế còn nhiều hộ dân chưa thực hiện di dời, bàn giao mặt bằng cho nhà nước.
Mặt khác, việc tạm dừng triển khai và chậm bàn giao các hạng mục đã hoàn thành dọn dẹp cho đơn vị quản lý, khai thác khiến nhiều vị trí trên khu vực Thượng Thành, Eo Bầu cỏ dại và cây cối mọc um tùm, làm giảm ý nghĩa thực hiện gói thầu này.
Tại nhiều đoạn Thượng thành, Eo Bầu, người dân tận dụng đất trống để trồng rau, chăn thả trâu bò, phơi đồ, đổ rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt,… gây mất mỹ quan.