1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ điện kế điện tử:

“Hàng giả ai dám cho sử dụng!”

Đó là khẳng định của đại tá Phạm Hùng Chiến - phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Bộ Công an - xung quanh ý kiến đề xuất nên tái sử dụng điện kế điện tử bất hợp pháp.

Đại tá Phạm Hùng Chiến nhấn mạnh: "Theo quan điểm của cơ quan điều tra, cho đến thời điểm này, không ai có quyền, đúng hơn là không ai có tư cách cho phép sử dụng 312.000 điện kế điện tử (ĐKĐT) bất hợp pháp vì số ĐKĐT này đang là tang vật của vụ án.

 

Vậy trong trường hợp nào số ĐKĐT bất hợp pháp được xem xét tái sử dụng?

 

Nếu đã là hàng giả, hàng dỏm thì không sử dụng. Tuy nhiên, sau khi vụ án đã được đưa ra xét xử, nếu có ý kiến của Chính phủ mới tính đến chuyện xem xét có nên tái sử dụng hay không. Hàng giả mà cho sử dụng lỡ mai mốt xảy ra chuyện gì ai chịu trách nhiệm?

 

Đến thời điểm này, cơ quan điều tra đã có đánh giá gì về chất lượng 312.000 ĐKĐT?

 

Trước khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra đã yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ giám định chất lượng ĐKĐT. Theo kết quả giám định và quá trình điều tra cho thấy đã có đủ cơ sở để kết luận 312.000 chiếc ĐKĐT Linkton Singapore là hàng giả về nguồn gốc, xuất xứ, nơi đóng gói, lắp ráp hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp.

 

Đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố một số bị can của Công ty Linkton Singapore và Linkton Vina về hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả”.

 

Giả sử một số ĐKĐT bất hợp pháp được tái sử dụng, có nghĩa được khắc phục một phần hậu quả, liệu có ảnh hưởng đến việc định lượng tội danh của các bị can?

 

Theo kết quả giám định tài chính, tổng thiệt hại trong vụ mua bán ĐKĐT rởm khoảng 181 tỉ đồng. Vì thế, dù việc xử lý số tang vật này như thế nào, kể cả cho phép tái sử dụng cũng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án.

 

Có nghĩa các bị can đều phải chịu trách nhiệm trước những thiệt hại mà họ đã gây ra cho Nhà nước. Hiện vụ án đang chuẩn bị kết thúc điều tra. Cơ quan điều tra đã làm rõ các hành vi “cố ý làm trái” và “sản xuất, buôn bán hàng giả” của các bị can và sẽ đề nghị truy tố trước pháp luật.

 

Được biết cơ quan điều tra và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa có cuộc họp đánh giá tiến độ điều tra vụ án. Vậy quan điểm của hai cơ quan tố tụng về việc xử lý 312.000 ĐKĐT như thế nào?

 

Cơ quan điều tra và đại diện viện kiểm sát đã thống nhất quan điểm kiến nghị không nên sử dụng vì đó là hàng giả cần phải xử lý đúng theo các qui định của pháp luật. Về vấn đề có tịch thu số ĐKĐT bất hợp pháp hay không là do phán quyết của tòa án trong quá trình xét xử.

 

Theo Hoàng Khương

Tuổi Trẻ