1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An

Hàng chục hộ dân gần nửa thế kỷ “ở tạm” giữa lòng thành phố

(Dân trí) - Không nước sạch, không hệ thống thoát nước thải, không được xây dựng hay cơi nới nhà cửa dù đã xuống cấp trầm trọng và luôn thấp thỏm chờ được di dời tái định cư. 26 hộ dân với gần 100 con người đã “ở tạm” gần nửa thế kỷ ngay giữa trung tâm Tp Vinh.


Thiếu nước sạch, thừa nước thải

Khu nhà ở xập xệ bé như “mắt muỗi” ở khối 13, phường Trường Thi (TP Vinh, Nghệ An) vốn là khu tập thể của Nhà máy điện Vinh (cũ). Theo người dân ở đây thì khu tập thể này đã có từng những năm 70 của thế kỷ trước sau đó được bán hóa giá cho cán bộ, công nhân viên của Nhà máy điện. Sau gần nửa thế kỷ tồn tại, khu tập thể với 26 hộ dân cùng gần 100 con người đã trở nên quá cũ nát, xuống cấp trầm trọng.

Chị Nguyễn Thị Loan gần như kéo tôi xềnh xệch vào nhà để “tố khố”. Chỉ vào căn bếp bé tin hin, ẩm thấp, những tấm giấy dầu chèn trên mái như chuẩn bị sập xuống chị Loan than thở: “Đấy em xem, cái gì cũng xuống cấp, cũng hư hỏng trầm trọng rồi. Người thì “nở” ra mà nhà cửa thì ngày càng chật chội. Không phải người dân không đủ khả năng xây mới nhưng mà phường không cho xây vì bảo là đất đã bị thu hồi để làm dự án, chuẩn bị được đi đến vùng tái định cư. Họ chỉ cho sữa chữa nguyên trạng chứ không cho xây mới hay cơi nới nhà cửa. Nhà chị chịu cái cảnh sống khổ sống sở như thế này hàng chục năm rồi”.

Chị Nguyễn Thị Loan và căn nhà xệp xệ, chật chội.

Chị Nguyễn Thị Loan và căn nhà xệp xệ, chật chội.

Đi hết đoạn đường đất đang bị đào xới để lắp ống dẫn nước thải là đến căn nhà của chị Hoàng Thị Hòa. Đến cái dây phơi quần áo cũng chẳng biết chăng ở đâu thành ra quần áo cứ treo hết lên hiên, mùi ẩm mốc bốc sực mũi. Căn nhà tối thui, chỗ nấu ăn chỉ rộng chừng 2m2, khu vực vệ sinh nước lép nhép. “Ở đây buổi ngày cũng phải bật điện thì mới sáng được. Ở chật mãi cũng quen, khổ mãi cũng quen, kể cả cái việc không có nước sạch để dùng, dân ở đây sáng sáng xách xô đi mua cũng đã quen. Nhưng cái khổ nhất là nước thải không biết đổ đi đâu. Ở đây thấp trũng, “cóc đái cũng ngập”. Mưa, chưa chỗ nào ngập thì ở đây nước bẩn đã tống vào nhà”.

Khu vực nhà của bà Trần Thị Lý thấp trũng hơn những nhà khác trong khu. Cả khu dân cư lại không có hệ thống nước thải, nên cứ nhà trên đổ về nhà ở dưới, thành thử ra nhà bà Lý trở thành cái “túi” đựng nước thải của mấy chục con người. Về vấn đề hệ thống nước thải của khu tập thể, kêu mãi lên phường nhưng chẳng thấy giải quyết, các hộ dân đành ngậm ngùi đầu tư mỗi hộ 6 triệu đồng thuê người lắp hệ thống đường ống nhựa vòng vèo ra tận đường lớn.

Hơn 40 năm sinh sống, thế hệ thứ 2, rồi thứ 3 ra đời, vẫn nhồi nhét trong căn nhà chỉ rộng từ 60-70m2 vì không có đất cho con “ra riêng”. Căn nhà bé đến nỗi chỉ có thể đặt 1 chiếc giường. Con còn nhỏ thì bố mẹ, con cái “chét” hết lên một giường. Con lớn thì bố mẹ trải chiếu ra nền nhà, nhường chỗ nằm cho con. Đến khi dựng vợ gả chồng cho con mới thấm thía hết cái khổ sở của nhà chật chội. Vậy là phải để con ra thuê nhà trọ sinh sống.

Chị Nguyễn Thị Loan và căn nhà xệp xệ, chật chội.

Những căn nhà có tuổi thọ gần nửa thế kỷ đã quá chật chội so với nhu cầu của người sử dụng nhưng không được xây dựng hay cơi nới do vướng quy hoạch và trong giai đoạn chờ di dời tái định cư đến nơi ở mới.

Vợ chồng ông Phan Văn Ngũ sinh được ba người con trai. Các con lập gia đình, do điều kiện kinh tế gia đình còn hạn hẹp nên không cho các con ở riêng mà sinh sống trong ngôi nhà tập thể chừng 80m2. Ông Ngũ cho biết: “Có thời điểm trong gia đình hai vợ chồng tôi với ba cặp vợ chồng của ba đứa con là 8 người, mỗi vợ chồng đẻ thêm một đứa cháu. Ra chập nhau, vô cũng đụng đầu nhau, muốn cơi nới sửa chữa để cho mỗi đứa cái phòng ở nhưng không được vì vướng quy hoạch, người ta không cho làm. Mùa mưa bão đến, chúng tôi thấp thỏm ngay trong chính ngôi nhà của mình bởi nó đã quá cũ kỹ, xuống cấp”.

Chờ đến bao giờ?

Khu dân cư khối 13 này nằm trong diện thu hồi để mở rộng Trường Tiểu học Trường Thi. Theo kế hoạch, 26 hộ gia đình sẽ được di dời đến nơi ở mới để nhường đất cho dự án. Tuy nhiên, kế hoạch di dời đã được thông báo 10 năm nay nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn “dẫm chân tại chỗ.

“10 năm nay chúng tôi luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm. Nhà cửa không được cơi nới, xây dựng, nước sạch không có. Năm nào cũng nghe chuẩn bị di dời, nghe mãi đến mòn cả tai mà có thấy họ động tĩnh gì đâu. Đi hay ở, chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền sớm giải quyết để bà con yên tâm sinh sống”, bà Lê Thị Châu kiến nghị.

Chị Nguyễn Thị Loan và căn nhà xệp xệ, chật chội.

Không có nước sạch để sử dụng là nỗi khổ mà 26 hộ dân nơi đây phải tìm cách khắc phục trong suốt mấy chục năm qua.

Trao đổi với chúng tôi về những bức xúc của 26 hộ dân thuộc khu tập thể Nhà máy điện Vinh (cũ), ông Mai Ngọc Lương – Phó Chủ tịch UBND phường Trường Thi cho biết: Dự án tái định cư cho 26 hộ dân chậm được triển khai là do phải điều chỉnh nhiều lần cho hợp lý, phù hợp với quy hoạch.

“Hiện nay UBND phường đã có tờ trình xin UBND thành phố Vinh phê duyệt kế hoạch đấu thầu xây dựng công trình hạ tầng khu quy hoạch tái định cư khu đất trường Tiểu học Trường Thi 2 (cũ) tại khối 3. Song song với việc xây dựng hạ tầng UBND phường đã có công văn đề nghị Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố phối hợp lập phương án bồi thường, GPMB, tái định cư cho người dân”, ông Mai Ngọc Lương cho hay.

Ông Phó Chủ tịch cũng cho biết, phường Trường Thi đã làm việc với Công ty MTV cấp nước Nghệ An, các hộ dân có nhu cầu bắt nước máy thì làm các thủ tục theo quy định. Toàn bộ kinh phí đầu tư các hộ phải chịu hoàn toàn vì khu tập thể này nằm trong quy hoạch khả năng di chuyển đi nơi ở mới trong thời gian sắp tới.

Nhà chật chội nhưng phải nhường chỗ cho những can nước sạch phải đi xách hàng ngày để về sử dụng.
Nhà chật chội nhưng phải nhường chỗ cho những can nước sạch phải đi xách hàng ngày để về sử dụng.

Về mương thoát nước thải sinh hoạt các hộ gia đình không đầu tư được vì thuộc khu quy hoạch GPMB di dời tái định cư nơi ở mới nhưng phải có trách nhiệm trong việc giữ vệ sinh chung. Nếu các hộ gia đình có nhu cầu sữa chữa thì phải thực hiện các thủ tục hồ sơ xin cấp phép xây dựng nhà ở tạm.

“Mặc dù phải chịu đựng sống trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nhiều năm qua, nhưng các hộ dân vẫn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương. Để đảm bảo cho người dân sớm được di dời đến nơi ở mới, sớm ổn định cuộc sống, đề nghị UBND tỉnh, thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để dự án sớm hoàn thành”, ông Phó Chủ tịch phường kiến nghị.

Nhà chật chội nhưng phải nhường chỗ cho những can nước sạch phải đi xách hàng ngày để về sử dụng.

Mỗi hộ dân phải góp 6 triệu đồng đề xây dựng hệ thống thoát nước, tránh tình trạng ngập úng trong mùa mưa bão.

Như vậy có nghĩa là 26 hộ dân nơi đây vẫn đang tiếp tục phải chờ đợi để được di dời đến nơi ở mới. Trong lúc chờ đợi thị họ vẫn phải tiếp tục “ở tạm” trong những ngôi nhà tối tăm, chật chội và xuống cấp trầm trọng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi mùa mưa bão đang tới gần.

Hoàng Lam