1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Hà Nội chỉ muốn hạ thấp đường bên trong đê sông Hồng”

(Dân trí) - Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã khẳng định như vậy với phóng viên Dân trí khi nói về những thông tin cho rằng TP Hà Nội đang có đề xuất hạ thấp đê sông Hồng, đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương (quận Tây Hồ - Hà Nội).

Ông Trần Quang Hoài khẳng định, Hà Nội không xin hạ thấp đê sông Hồng, mà chỉ xin thay đổi kết cấu từ đê đất sang đê bê tông.
Ông Trần Quang Hoài khẳng định, Hà Nội không xin hạ thấp đê sông Hồng, mà chỉ xin thay đổi kết cấu từ đê đất sang đê bê tông.

Liên quan đến nội dung trên, sáng nay (15/2), trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), cho biết: UBND TP Hà Nội chỉ có đề xuất xin ý kiến Bộ NN&PTNT về việc thay đổi kết cấu đoạn đê hữu sông Hồng, đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương (Tây Hồ), chuyển từ đê đất sang đê bê tông, chứ hoàn toàn không xin hạ thấp độ cao của đoạn đê này. Mục đích của việc này là để Hà Nội mở rộng đoạn đường Nghi Tàm, xây dựng cầu vượt nút giao thông đường An Dương – Thanh Niên nhằm giảm ùn tắc giao thông cho khu vực này.

“Dư luận đang hiểu nhầm là Hà Nội xin hạ thấp đoạn đê sông Hồng nói trên. Không ai có quyền cho hạ thấp đê, vì cao trình của đê đã được quy định tại Quyết định số 257 ngày 26/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phòng chống lũ cho hệ thống đê sông Hồng, sông Thái Bình” – ông Hoài nói.

Ông Hoài cho biết thêm, đoạn đê đất nói trên có thiết kế hình thang, giao thông chỉ sử dụng được hai làn đường trên mặt đê; còn nếu chuyển sang đê bê tông thì mặt đường Nghi Tàm sẽ được mở rộng hơn sang phía hạ du, thuận lợi hơn cho giao thông đi lại tại khu vực này. Nhưng vấn đề giao thông chỉ là kết hợp, còn vấn đề phòng chống lũ cho Thủ đô Hà Nội và cho các khu vực lân cận mới là nhiệm vụ cao cả nhất của hệ thống đê điều. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đồng ý về nguyên tắc, nhưng phải đảm bảo an toàn.


Đoạn đê đất sắp tới nếu thống nhất được các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan quản lý sẽ được Hà Nội chuyển thành đê bê tông.

Đoạn đê đất sắp tới nếu thống nhất được các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan quản lý sẽ được Hà Nội chuyển thành đê bê tông.

“Cao trình đoạn đê nói trên là không thay đổi, nhưng đường bên trong đê mà tới đây Hà Nội muốn đưa xuống cao trình là +12,4m; trong khi đó, mực nước thiết kế tại khu vực này +13,5m, thì chênh lệch khi có lũ khoảng 1m nước. Do đó, khi triển khai dự án, Hà Nội cần phải tính toán cho tất cả các tình huống có thể xảy ra.

Ví dụ đê đất, nếu lũ vượt tần suất thiết kế thì nước sẽ tràn đê, lúc đó chúng ta lấy bao tải cát đắp trên mặt đê thành “con trạch” để ngăn nước, nhưng là đê bê tông thì không thể đắp “con trạch” như đê đất được, lúc đó lại phải có một giải pháp khác.

Vấn đề thiết kế đê bê tông các nhà tư vấn phải trình lên các cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn đối với Hà Nội ở mức độ cao nhất” – ông Hoài nói thêm.

Trả lời câu hỏi về việc hiện nay nhiều người đang có tư tưởng rằng, phía thượng lưu sông Hồng đã xây nhiều đập thủy điện, các đập này có khả năng điều tiết nước và cắt lũ cho phía hạ du, do đó vai trò của đê điều là không cần thiết; ông Hoài khẳng định đây là tư tưởng rất chủ quan, bởi các hồ chứa ở thượng lưu sông Hồng hiện này chỉ cắt được tổng dung tích là 8,5 tỷ m3 nước, nếu mưa vượt tần suất thiết kế đủ để đảm bảo an toàn cho Hà Nội, với tần suất xuất hiện 1/500 năm (tức là 500 năm xuất hiện 1 lần) thì rất nguy hiểm.

Ông Hoài lấy ví dụ, nếu mưa lớn như ở Quảng Ninh năm 2015 trong các ngày từ 25/7-3/8 đạt 1.600 mm mà đổ xuống thượng lưu sông Hồng, các hồ thủy điện buộc phải xả lũ xuống hạ du thì các bãi sông Hồng hoàn toàn có thể xảy ra ngập lụt, lúc đó hệ thống đê sông Hồng sẽ phải hoạt động.

Ông Trần Quang Hoài thông tin thêm, Thủ đô Bangkok của Thái Lan, mặc dù đã xây dựng 2 hồ chứa lớn có dung tích cắt lũ lớn hơn các hồ thủy điện của Việt Nam, nhưng năm 2010 Thủ đô này vẫn chìm trong biển nước do mưa lớn đổ xuống. Ngoài ra, Bangkok còn có khả năng thoát lũ nhanh hơn Hà Nội vì rất gần biển, nhưng thiệt hại do lũ gây ra năm 2010 tại Thủ đô này đã lên tới 42 tỷ USD. Do đó, vấn đề an toàn cho hệ thống đê điều không được xem nhẹ.

Nguyễn Dương