1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phó Thủ tướng: Thay đê đất bằng đê bê tông có an toàn hay không?

(Dân trí) - Đề cập việc Hà Nội đề xuất thay đê đất sông Hồng bằng đê bê tông (đoạn từ cửa Khẩu An Dương đến khách sạn Thắng Lợi), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, “không thể nói "chẳng vấn đề gì đâu" mà phải khẳng định là có an toàn hay không an toàn”.

Sáng 17/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra các dự án hạ tầng giao thông, cấp nước trên địa bàn TP Hà Nội. 
Quá trình kiểm tra, Phó Thủ tướng đã đến nút giao đường Thanh Niên - Yên Phụ - Nghi Tàm - An Dương, địa điểm thành phố Hà Nội vừa đề xuất thay đê đất bằng đê bê tông để mở rộng hai bên đường.

Tại đây, Phó Thủ tướng đã nghe Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung báo cáo về hiện trạng khu vực ngoài đê hữu Hồng. Ông Chung cho biết, sau khi thay đổi kết cấu đê đất thành đê bê tông, kết hợp xây dựng tường bê tông cốt thép, sẽ tạo điều kiện mở rộng được 2 làn đường mỗi bên 3,7m.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiển tra tuyến đê sông Hồng được Hà Nội đề xuất thay thế từ đất thành bê tông.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiển tra tuyến đê sông Hồng được Hà Nội đề xuất thay thế từ đất thành bê tông.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, sau khi thay đổi kết cấu đê đất thành đê bê tông, phía tường bê tông ngoài đê vẫn còn cách các khu dân cư mới đến mép nước sông Hồng. Vì vậy, mặt đê bê tông cốt thép sau xây dựng không chịu áp lực trực tiếp của mực nước và sóng nước khi nước nâng cao.

“Ngay bên Hà Lan cũng xây dựng đê bê tông ngoài biển”, ông Chung nói và cho biết, khu vực từ khách sạn Thắng Lợi cho đến An Dương đã được thành phố xin ý kiến toàn bộ dân cư và được đồng tình rất cao là khi làm con đường như vậy thì giao thông sẽ thuận lợi, lưu thông tốt hơn. Chủ tịch Hà Nội cũng thông tin, sau khi thay đổi kết cấu đê đất thành đê bê tông sẽ đảm bảo chống lũ, giao thông dân sinh tốt hơn và mỹ quan đẹp hơn.

Tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Hà Nội cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải thành lập 1 cơ quan hội đồng thẩm định dự án này. Khi thẩm định mời các nhà khoa học có kinh nghiệm và trách nhiệm tham gia, sau đó công bố cho người dân biết. Và phải dùng cơ chế phản biện của các nhà khoa học, cần thiết mời cả tư vấn của nước ngoài đến để người dân yên tâm, để các nhà khoa học trong nước yên tâm.

Nếu thay thế đê đất thành đê bê tông, Hà Nội sẽ có điều kiện mở rộng đường
Nếu thay thế đê đất thành đê bê tông, Hà Nội sẽ có điều kiện mở rộng đường

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề quan trọng nhất là phải trả lời việc này có an toàn không để người dân yên tâm.

“Người dân không đồng tình là không làm được. Phải nói, phải khẳng định với bà con là chúng tôi làm chỉ có bền vững hơn thôi, tốt hơn thôi, không thể nói "chẳng có vấn đề gì đâu". Tôi nói với tư cách quản lý nhà nước, quản lý thì không thể nói chẳng vấn đề gì đâu mà phải khẳng định là có an toàn không, hay không an toàn. Phải nói dứt khoát như thế, không thể nói chung chung”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Ông cũng nhấn mạnh 4 điều cần lưu ý khi thực hiện dự án này là phải: Đảm bảo an toàn chống lũ cho thủ đô; Giảm ùn tắc giao thông; Tạo ra công trình kiến trúc đẹp cho thủ đô; Người dân khu vực này phải có cuộc sống chất lượng hơn cả về đi lại và cảnh quan môi trường.

Kết lại nội dung này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan khi được nhân dân đồng tình cao thì tiến hành xây dựng thật nhanh. Vấn đề gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm