1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội bố trí thêm 3.840 tỷ đồng cho dự án xây dựng đường Vành đai 4

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Hà Nội điều chỉnh tăng 4.240 tỷ đồng để bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án. Riêng với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được bố trí 3.840 tỷ đồng.

Sáng 10/3, tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021 - 2026, 100% đại biểu có mặt đã tán thành thông qua Nghị quyết điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023 cấp thành phố.

HĐND thành phố đồng ý điều chỉnh giảm 4.240 tỷ đồng nguồn vốn bồi thường, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (trong đó nguồn ngân sách trung ương là hơn 1.999,9 tỷ đồng).

Quyết nghị điều chỉnh tăng 4.240 tỷ đồng để bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án; riêng với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được bố trí 3.840 tỷ đồng, gồm: Dự án thành phần 1.1 là 3.290 tỷ đồng (trong đó, nguồn ngân sách Trung ương là hơn 1.999,9 tỷ đồng) và Dự án thành phần 2.1 là 550 tỷ đồng.

Tăng 100 tỷ đồng cho vốn chuẩn bị đầu tư thanh toán theo cơ chế linh hoạt; tăng 200 tỷ đồng cho vốn thanh quyết toán dự án hoàn thành thanh toán theo cơ chế linh hoạt; bố trí 100 tỷ đồng thực hiện lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán của dự án, thanh toán theo cơ chế linh hoạt.

Đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cần phải xây dựng tiến độ triển khai tổng thể của từng dự án thành phần và dự kiến nhu cầu vốn theo tiến độ triển khai dự án để rà soát nguồn vốn đầu tư công đảm bảo cân đối đủ vốn triển khai thực hiện dự án theo chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy.

Đồng thời thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện dự án để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án, chủ đầu tư.

Tại cuộc họp sáng nay, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đề án "Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030".

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, mục tiêu của Đề án hướng đến là hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng tài sản công, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tránh tình trạng tài sản công bị để hoang hóa, không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả,...

Với nhóm tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước và nhóm tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật, đây là các nhóm tài sản chỉ xuất hiện trong giai đoạn hình thành tài sản công.

Sau khi tài sản được giao, xử lý theo văn bản của cơ quan/người có thẩm quyền sẽ được quản lý, sử dụng và khai thác theo cơ chế áp dụng cho từng nhóm tài sản công khác,…

Công tác quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường. Công tác quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi vi phạm phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm