Bí thư Hà Nội: "Đường Vành đai 4 làm sớm ngày nào có lợi ngày đó"
(Dân trí) - "Đối với dự án trọng điểm quốc gia như đường Vành đai 4 thì làm sớm được ngày nào có lợi ngày đó, vừa đỡ lãng phí vừa mở ra cơ hội phát triển", Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng chia sẻ.
Sáng 7/3, Ban Chỉ đạo dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô họp, nghe báo cáo tiến độ triển khai và những khó khăn, vướng mắc, giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.
Chủ trì hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô nhấn mạnh, tiến độ dự án cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào vận hành năm 2027 không chỉ được ghi rõ trong Nghị quyết của Quốc hội mà còn trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ. Điều đó cho thấy sự chỉ đạo đồng bộ và quyết tâm chính trị cao của Trung ương và 3 địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, cả 3 địa phương đã bắt tay vào thực hiện, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Quá trình triển khai vừa qua xuất hiện nhiều cách làm hay, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì cái chung. Đặc biệt, dự án nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận và nhân dân.
Ông Đinh Tiến Dũng ví dụ như ở Hà Nội, đến những ngày 28, 29 Tết Nguyên đán 2023 người dân vẫn di dời mộ để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Ngay sau Tết, các gia đình còn lại tiếp tục thực hiện công việc này.
"Đối với dự án trọng điểm quốc gia như đường Vành đai 4 thì làm sớm được ngày nào có lợi ngày đó, vừa đỡ lãng phí vừa mở ra cơ hội phát triển. Công tác giải phóng mặt bằng dự án này cũng có ý nghĩa như vậy, làm sớm được ngày nào thì người dân có điều kiện sớm ổn định cuộc sống ngày đó", ông Dũng chia sẻ.
Ông đề nghị các cấp, các ngành của 3 địa phương tranh thủ tối đa sự đồng thuận, ủng hộ của người dân để thực hiện nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm đúng tiến độ bàn giao như dự kiến. Trong quá trình thực hiện, cần vận dụng chính sách để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân.
Các bộ, ngành liên quan sớm xem xét, có ý kiến đối với các nội dung kiến nghị, để Chính phủ có nghị quyết đối với 9 nội dung, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý một số vấn đề để thống nhất thực hiện ở cả 3 địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng như tập trung tuyên truyền vận động và hoàn thành sớm việc di dời mồ mả; kiểm soát chặt chẽ về việc xác định nguồn gốc đất và diện tích đất... Theo ông Dũng, đây là khâu dễ xảy ra sai sót nhất, cần phải giám sát thường xuyên và từ đầu để phòng ngừa...
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có quy mô chiều dài 112,8km đi qua địa bàn của 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh (đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội 58,2km; đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên 19,3km; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh dài 25,6km và tuyến nối dài 9,7km). Điểm đầu nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long.
Tổng mức đầu tư hơn 85.800 tỷ đồng với tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập, bao gồm: 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn của từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công; 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công và dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.