1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đầu tư gần 5.400 tỷ đồng xây dựng đường song hành Vành đai 4 Hà Nội

Thế Kha

(Dân trí) - Theo quyết định vừa được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký, tổng mức đầu tư xây dựng đường song hành Vành đai 4 Hà Nội là 5.388 tỷ đồng

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2.1: xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận TP Hà Nội thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành qua địa phận Hà Nội với tổng chiều dài khoảng 58,2km. Tuyến đường có điểm đầu tại Km0+000 (tương ứng Km3+695 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai), thuộc địa phận xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và điểm cuối tại Km58+200 ranh giới Hà Nội và tỉnh Hưng Yên (thuộc địa phận huyện Thường Tín, Hà Nội).

Tuyến đường sẽ đi qua địa bàn 7 quận, huyện, bao gồm: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Phạm vi xây dựng đường song hành phải có chiều dài khoảng 51,61km, đường song hành trái có chiều dài khoảng 51,55km.

Đầu tư gần 5.400 tỷ đồng xây dựng đường song hành Vành đai 4 Hà Nội - 1

Phối cảnh đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Ảnh: TL).

Đường song hành (đường đô thị) được thiết kế bảo đảm tiêu chuẩn đường phố chính chủ yếu, vận tốc thiết kế 80km/h theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị.

Riêng đoạn đi ngoài đê Song Phương từ Km30+310 đến Km33+060 được thiết kế bảo đảm tiêu chuẩn đường phố chính thứ yếu, vận tốc thiết kế 60km/h theo tiêu chuẩn đường đô thị. Quy mô mặt cắt ngang có nền đường rộng 12m.

Các nút giao được đầu tư xây dựng nút liên thông, đồng bộ trong dự án thành phần 3 (nút cao tốc Hà Nội - Lào Cai; trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; quốc lộ 6; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ).

Các nút giao với các đường ngang là đường tỉnh, quốc lộ, trục chính đô thị hiện hữu khác có lưu lượng lớn tổ chức giao thông phức tạp, trước mắt thiết kế nút giao bằng, điều khiển bằng đèn tín hiệu và vạch sơn, biển báo dẫn hướng đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành, khai thác.

Đối với các tuyến đường khác sẽ được vuốt nối thuận lợi với đường song hành hai bên tuyến và tổ chức quay đầu trong khoảng 1km một vị trí đối với các đoạn tuyến tổ chức giao thông một chiều.

Tổng mức đầu tư của dự án là 5.388 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 4.525 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội được giao chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chuẩn xác của khối lượng, kinh phí; kết quả tính toán kết cấu và tính hợp pháp của hồ sơ trình phê duyệt; năng lực của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong đó, chiều dài tuyến đường qua địa phận Hà Nội là 58,2km; trên địa bàn Hưng Yên là 19,3 km; Bắc Ninh là 25,6 km và tuyến nối 9,71km.

Dự án được đầu tư phân kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80 km/h với bề rộng mặt cắt ngang là 17m. Đầu tư xây dựng phần đường song hành 2 bên qua đô thị, khu dân cư (bố trí không liên tục).

Hình thức đầu tư của dự án là đầu tư công kết hợp đầu tư PPP, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng.

Nhu cầu vốn ngân sách giai đoạn 2026 - 2030 là 6.214 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương: 2.750 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 3.464 tỷ đồng (Hà Nội: 2.134 tỷ đồng; Hưng Yên: 230 tỷ đồng; Bắc Ninh: 1.100 tỷ đồng)…