1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thêm thông tin mới về dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô

Hà Phong

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định thành lập hội đồng thẩm định (HĐTĐ) Nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo quyết định này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch hội đồng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó chủ tịch. Các Ủy viên gồm lãnh đạo các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của hội đồng thẩm định Nhà nước.

Trách nhiệm, quyền hạn của hội đồng, chủ tịch hội đồng, phó chủ tịch hội đồng, các ủy viên hội đồng, cơ quan thường trực hội đồng được thực hiện tương ứng theo quy định của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Chi phí thẩm định của hội đồng thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 29/2021 của Chính phủ. Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản nếu cần của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động.

UBND TP Hà Nội có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đảm bảo yêu cầu tiến độ.

Hội đồng tự giải thể sau khi kết thúc nhiệm vụ.

Thêm thông tin mới về dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô - 1

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua huyện Mê Linh (Ảnh: Hà Phong).

Liên quan tới dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.1: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành (đường đô thị), hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia địa phận thành phố Hà Nội) thuộc dự án này.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội là chủ đầu tư tổng thể (trong đó đồng thời làm chủ đầu tư thực hiện hạng mục di chuyển công trình điện cao thế từ 110kV đến 500kV); chủ đầu tư các dự án thành phần hạng mục xây dựng các khu Tái định cư là UBND các huyện (Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín) tương ứng với các khu tái định cư trên địa bàn các huyện.

Thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên các phần diện tích thuộc địa bàn 7 quận, huyện của TP Hà Nội gồm Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín với tổng diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng tuyến đường vành đai 4 và đất hành lang dự trữ đường sắt Quốc gia khoảng 812,07ha; diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng các khu tái định cư khoảng 39,28ha (tương ứng với 13 khu tái định cư trên địa bàn 5 huyện: Mê Linh; Đan Phượng; Hoài Đức; Thanh Oai; Thường Tín).

Dự án được chia thành các dự án thành phần hạng mục, gồm: Xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn huyện Mê Linh (tương ứng với 3 dự án xây dựng khu tái định cư tại 3 xã: Văn Khê; Đại Thịnh và Chu Phan); xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn huyện Đan Phượng (tương ứng với 2 dự án xây dựng khu tái định cư tại 2 xã: Hạ Mỗ và Hồng Hà); xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn huyện Hoài Đức (tương ứng với 2 dự án xây dựng khu tái định cư tại 2 xã: Đức Thượng và Đông La); xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn huyện Thanh Oai (tương ứng với 2 dự án xây dựng khu tái định cư tại 2 xã: Cự Khê  và  Tam Hưng); xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn huyện Thường Tín (tương ứng với 4 dự án xây dựng khu tái định cư tại 4 xã: Khánh Hà ; Văn Bình; Hồng Vân và Vân Tảo).

Giá trị tổng mức đầu tư dự án thành phần 1.1 là 13.362 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 11.252,58 tỷ đồng; di chuyển điện cao thế từ 110 kV đến 500 kV là 530,02 tỷ đồng; xây dựng các khu tái định cư là 960,87 tỷ đồng; chi phí lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư tổng thể là 7,58 tỷ đồng; các chi phí khác liên quan của dự án đầu tư tổng thể là 611,19 tỷ đồng.

Thời gian chuẩn bị, thực hiện dự án đầu tư là từ năm 2022 đến năm 2024. Việc hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng là trong năm 2023, thực hiện xong toàn bộ dự án thành phần 1.1 trong năm 2024.

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần, trong đó 3 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP.

Tổng chiều dài dự án là khoảng 112,8 km, bao gồm: 103,1km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Dự án sẽ giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh với chiều rộng từ 90m đến 135 m; thực hiện đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 4/6 làn xe, hạn chế tốc độ 80km/h với chiều rộng 17 m với 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh và các lối ra vào đường cao tốc đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả. Đầu tư phân kỳ đường song hành (không liên tục) với quy mô mỗi bên rộng 12m.