Gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm: Đề nghị Bộ Công an sớm vào cuộc điều tra
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Công an sớm kiểm tra tố cáo từ hàng trăm người dân về việc gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm, liên quan đến một số ngân hàng.
Bộ Công an cần sớm điều tra vụ việc
Ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phân tích, đa phần người gửi tiền là khách hàng trung thành với ngân hàng SCB, vì tin ngân hàng nên chủ quan không đọc kỹ hợp đồng, thậm chí nhiều người không đọc hợp đồng nên mới xảy ra việc rất nhiều người cùng nói giống nhau là "bị lừa" từ gửi tiết kiệm tại SCB thành bảo hiểm nhân thọ Manulife.
Ông Hòa cho rằng, vụ việc xảy ra không chỉ ở một chi nhánh mà ở nhiều chi nhánh của SCB trên toàn quốc thì không phải vấn đề ngẫu nhiên.
Theo ông Hòa, nếu người dân cho rằng mình bị lừa thì phải kiện ra tòa hoặc trình báo với cơ quan điều tra.
Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) trực thuộc Bộ Công an phải sớm vào cuộc mạnh mẽ làm rõ vì sao việc hợp tác giữa SCB và Manulife để bán bảo hiểm lại gây ra tai tiếng như hiện nay.
"Tôi đề nghị báo Dân trí theo sát và thường xuyên đăng tải các thông tin liên quan đến vấn đề này, bản thân tôi sẽ đồng hành cùng Dân trí và những người bị mất tiền để đi đến cùng sự việc", ông Phan Văn Hòa nói.
Ông Hòa chờ đợi cách xử lý của Tổng giám đốc Manulife Việt Nam và nhấn mạnh, với những nhân viên (của SCB và Manulife) trực tiếp tư vấn sản phẩm Tâm An Đầu Tư cho khách hàng đã nghỉ việc, nếu phát hiện có sai phạm, chi nhánh có nhân viên đó vẫn phải chịu trách nhiệm, cơ quan công an phải điều tra làm rõ.
"Người bị hại phải được bồi thường thỏa đáng"
Ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách thuộc Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, tất cả những người bị hại phải được bồi thường thỏa đáng.
Theo ông Nghĩa, trong số những người bị hại mà mình theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, có nhiều cô, bác đã lớn tuổi, dành dụm được chút tiền để lo cho tuổi già định gửi tiết kiệm thì bị biến thành mua bảo hiểm. Nay sự việc xảy ra, họ cần được đặc biệt quan tâm trong giải quyết vụ việc.
Bên cạnh việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, ông Nghĩa nhận thấy công ty bảo hiểm có liên quan cũng cần sớm có giải pháp bảo đảm quyền lợi khách hàng để bảo vệ cho uy tín kinh doanh của mình.
Ông Nghĩa cho rằng, các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quản quan lý nhà nước về lĩnh vực ngân hàng, tài chính cần nhanh chóng, quyết liệt vào cuộc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, người gửi tiền. Đối với sai phạm, xem xét xử lý theo quy định cả hành chính và cả về hình sự.
Khi các cơ quan nhà nước quyết định xử lý sai phạm thì Ngân hàng cần có trách nhiệm đối với hành vi sai phạm do nhân viên của mình thực hiện. Các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức xã hội và cả các cơ quan báo chí cần tiếp tục lên tiếng, giám sát xã hội nhằm bảo vệ tốt hơn người gửi tiền.
Vị ủy viên chuyên trách thuộc Ủy ban Xã hội của Quốc hội lưu ý thêm, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới đã được Quốc hội thông qua năm 2022, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Luật này đã bổ sung nhiều quy định nhằm bảo vệ tốt hơn cho người mua bảo hiểm.
Trong thời gian tới, các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyền truyền phổ biến cho người dân đồng thời tăng cường thanh tra việc thực hiện các quy định của Luật tại các doanh nghiệp bảo hiểm.
Thời gian vừa qua, báo điện tử Dân trí đã nhận được hàng trăm lá đơn của người dân ở các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, Cần Thơ... phản ánh họ đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng SCB nhưng thành mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Manulife. Bộ Tài chính đã nhận được nhiều đơn tố cáo của người dân liên quan đến vụ việc này và đã chuyển đơn sang Bộ Công an.