1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Gửi một chân ở chiến trường, cựu binh già vượt trăm cây số viếng Tổng Bí thư

Nhóm phóng viên
Nhóm phóng viên

(Dân trí) - Ông Phạm Văn Dĩ, 79 tuổi, cựu chiến binh chiến trường B, đến dự lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với một chiếc chân còn lại sau chiến tranh.

Khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông Phạm Văn Dĩ đề đạt với con cháu nguyện vọng được lên Hà Nội viếng tang. "Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi lúc tôi đang ở chiến trường, không thể dự tang cụ. Nay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, tôi đã trở về, tôi nhất định phải đi", ông Dĩ nói.

Con cháu hiểu tâm nguyện của ông, lái xe đưa ông vượt hơn trăm cây số tới thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. 

Do chỉ còn 1 chân, không thể xếp hàng, đi bộ, lực lượng chức năng dùng xe máy chở ông vào khu vực tang lễ. Ông Dĩ kịp vào viếng vị lãnh tụ mà ông kính trọng lúc 16h45.

Gửi một chân ở chiến trường, cựu binh già vượt trăm cây số viếng Tổng Bí thư - 1

Cựu chiến binh Phạm Văn Dĩ, 79 tuổi, đi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với chiếc chân còn lại sau chiến trường (Ảnh: Mỹ Hà).

Ông Dĩ là thương binh nặng, cựu chiến binh của Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 - Sư đoàn bộ binh đầu tiên của Tây Nguyên. Ông đi B 9 năm, từ 1965 đến 1974, để lại chiến trường Tây Nguyên một chiếc chân.

Ở tuổi 79 và chỉ còn một chiếc chân lành lặn, ông Dĩ muốn tự chống nạng vào viếng thay vì ngồi xe lăn. Hỏi ông có mệt không khi đi xa hơn trăm cây số, thời tiết nắng nóng, ông nói không mệt. 

Đánh giá về người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong thời bình, vị cựu chiến binh nói với phóng viên Dân trí: "Hiếm có nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, có tài, có đức như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông là người liêm khiết, cực kỳ có uy tín với nước với dân".

Cũng trong nỗi xúc động khi nhắc về Tổng Bí thư, ông Nguyễn Văn Vỵ, 91 tuổi, đi từ Lục Nam, Bắc Giang lên Hà Nội chiều nay bật khóc: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo xuất sắc của thời bình.

Khi nghĩ đến hình ảnh Tổng Bí thư làm việc đến phút cuối cùng, nằm trên giường bệnh vẫn làm việc, tôi vô cùng xúc động, vô cùng nhớ thương".

Gửi một chân ở chiến trường, cựu binh già vượt trăm cây số viếng Tổng Bí thư - 2

Ông Nguyễn Văn Vỵ, Trưởng Ban liên lạc Đoàn Cựu chiến binh 3 Chiến dịch, bật khóc khi nhắc tên Tổng Bí thư (Ảnh: Nguyễn Hải).

Ông Nguyễn Văn Vỵ là Trưởng Ban liên lạc Đoàn Cựu chiến binh 3 Chiến dịch. Vị cựu binh gần trăm tuổi đã đi qua 3 chiến dịch lớn: Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. 

Đoàn Cựu chiến binh 3 Chiến dịch đi cùng ông Vỵ hôm nay có 119 người, đều là những cựu binh, thương binh tuổi từ ngoài 70 đến ngoài 90, đều từng tham gia chiến đấu trong 3 chiến dịch lịch sử, đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước.

Ngực cài những huy chương chiến công, các cựu chiến binh bước đến trước di ảnh, dành cho Tổng Bí thư cái chào tiễn biệt trang nghiêm.

Gửi một chân ở chiến trường, cựu binh già vượt trăm cây số viếng Tổng Bí thư - 3

Đoàn người đổ về thôn Lại Đà viếng Tổng Bí thư chiều ngày 25/7 ngày một đông (Ảnh: Hữu Nghị).

Đi qua những năm tháng chiến tranh gian khổ tận cùng, sự sống cái chết chỉ trong gang tấc, chứng kiến bao đồng đội vùi xương thịt nơi chiến trường, những cựu binh già trân trọng hòa bình hơn ai hết. Cũng chính họ là những người cảm nhận sâu sắc nhất vai trò, vị thế của đất nước hôm nay, mà trong đó có vai trò, vị thế lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuối giờ chiều ngày 25/7, dòng người đổ về thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh ngày một đông. Nhiều người trong số họ đi từ tỉnh xa đến. 

Ông Chương Văn Lợi, 71 tuổi, và ông Trần Văn Dũng, 57 tuổi, cùng nhau vượt hơn nghìn cây số từ Khánh Hòa ra Hà Nội vào đêm qua. Họ là những cán bộ về hưu, vì mến mộ đức liêm chính của Tổng Bí thư mà lặn lội tìm đến quê nhà Đông Anh để được tận tay dâng nén hương tưởng nhớ.

Gửi một chân ở chiến trường, cựu binh già vượt trăm cây số viếng Tổng Bí thư - 4

Ông Lợi và ông Dũng đi gần 1.500 cây số từ Khánh Hòa ra Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Chúng tôi rất kính trọng và thương tiếc Tổng Bí thư. Ra Hà Nội, chúng tôi không chỉ muốn viếng bác Trọng mà còn muốn được biết nhà cửa, quê hương bản quán của bác, nơi bác đã sinh ra và lớn lên", ông Dũng chia sẻ.