Bạn cũ Tổng Bí thư: "Chúng tôi lỡ hẹn vì anh chưa một ngày bớt việc"
(Dân trí) - Ông Ngô Bá Dục có một lời hẹn với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng khi nào nghỉ hưu sẽ gặp gỡ, hàn huyên. Nhưng lời hẹn không thành vì Tổng Bí thư làm việc đến tận phút cuối cùng.
Trong những người bạn cùng trọ học ở trường Nguyễn Gia Thiều khóa 1957-1963, ông Ngô Bá Dục là một trong người bạn thân nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Dục vừa là người cùng làng, vừa là bạn học chung lớp, chung trường với Tổng Bí thư từ vỡ lòng cho đến hết cấp 3. Tình bạn "nối khố" và sau này là tình đồng chí khiến ông Dục không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ lại những ký ức đã qua.
"Tôi thương anh ấy. Tôi chỉ thấy thương anh ấy", ông Dục nghẹn ngào. "Anh ấy vất vả từ nhỏ, như tất cả chúng tôi. Chúng tôi đi qua những gian khổ cùng nhau, đói no cùng nhau, cùng tự thân lập thân, lập nghiệp bằng trí tuệ và ý chí của mình.
Nhưng sau này đến tuổi già, chúng tôi được nghỉ ngơi, thanh nhàn, còn anh ấy thì không. Anh ấy làm việc cho dân, cho nước đến tận phút cuối cùng.
Chúng tôi từng hẹn nhau khi nào nghỉ hưu sẽ gặp gỡ, hàn huyên. Nhưng chúng tôi đã lỡ hẹn vì anh ấy chưa từng ngơi nghỉ việc một ngày".
Ông Ngô Bá Dục sinh năm 1943, hơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một tuổi. Ông cũng chính là người mà Tổng Bí thư thường nhắc tới mỗi khi ôn lại kỷ niệm thủa học trò.
Kỷ niệm của ông Dục với Tổng Bí thư bị ngắt quãng bởi sự xúc động của ông. Ông bảo, ông không biết kể như thế nào và bắt đầu từ đâu khi cả thời thơ ấu và thời trai trẻ họ gắn với nhau như hình với bóng.
Nhưng điều ông nhớ nhất là những đêm đọc sách cùng nhau. Thời đó sách vở rất hiếm và quý. Ông chủ nhà trọ làm công an, thi thoảng mang về cho một cuốn sách về các vụ án là cả nhóm đọc chung.
"Anh Trọng có chất giọng truyền cảm nhất, được giao đọc sách cho tất cả anh em nghe. Cứ đọc như thế cho đến khi bạn ngủ hết thì anh ấy mới đóng sách lại...
Chúng tôi còn góp chung tiền đi dạy thêm để mua Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Riêng hai cuốn Ruồi trâu (Ethel Lilian Voynich) và Thép đã tôi thế đấy (Nikolai Ostrovsky) là sách gối đầu giường của hai anh em tôi. Chúng tôi say mê lắm. Tinh thần người chiến sĩ cách mạng trong hai tác phẩm ấy cũng là lý tưởng sống của chúng tôi.
Ngay từ ngày ấy, anh Trọng đã thể hiện rõ ràng khát vọng, lý tưởng cách mạng của mình", ông Dục chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, hai chàng trai Nguyễn Phú Trọng và Ngô Bá Dục cùng đỗ vào đại học. Trong khi ông Dục học Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Văn, người bạn đặc biệt của ông học Đại học Tổng hợp khoa Văn.
Dù không còn song hành như trước, nhưng mỗi dịp nghỉ hè, cả hai lại gặp nhau để trao đổi chuyện văn chương, sách vở.
Ông Dục sau đó được phân công vào Nghệ An dạy khoa Văn tại Đại học Sư phạm Vinh. Còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công tác tại Tạp chí Cộng sản.
Họ gặp lại nhau khi ông Dục chuyển công tác về quê nhà, làm hiệu trưởng trường cấp 3 Cổ Loa, còn bạn ông trở thành Bí thư Thành ủy Hà Nội.
"Mỗi lần tôi vào Thành ủy học Nghị quyết, anh Trọng cứ giảng bài xong là xuống bên dưới hỏi thăm, trò chuyện với tôi. Ai cũng biết tôi và anh ấy là bạn.
Nhưng trong công việc, anh ấy chưa từng ưu tiên, ưu ái gì người thân, bạn bè. Anh ấy sống một đời liêm khiết, mẫu mực.
Lúc trẻ anh ấy chẳng có tài sản. Khi đảm nhiệm những trọng trách quan trọng của Đảng, của đất nước, anh ấy chỉ biết một lòng phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ Quốc, chưa có lấy một ngày nghỉ ngơi", ông Dục kể.
Ông Ngô Bá Dục năm nay đã ngoài 80 tuổi. Nguyên hiệu trưởng trường cấp 3 Cổ Loa không còn khỏe nữa, vóc dáng mảnh khảnh, phải dùng gậy để đi lại.
Ông ăn mặc giản dị nhất trong hơn 10 người bạn cũ đến viếng Tổng Bí thư với chiếc sơ mi đã rất cũ. Ông cũng là người lặp đi lặp lại một chữ "thương" với bạn mình.
Đó cũng chính là chân dung người bạn thân nhất thủa hoa niên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.