Gỡ khó về khai thác khoáng sản làm đường cao tốc có cơ chế đặc thù
(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn 35 địa phương khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù.
Sau chuyến đi thực tế đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết các địa phương về trình tự, thủ tục liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù.
Trong công văn vừa gửi 35 tỉnh, thành phố trên cả nước (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Ninh, Kiên Giang, Cà Mau, Đăk Lăk, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng…), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn kỹ lưỡng việc này.
Theo đó, nhà thầu thi công dự án chỉ lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (gọi tắt là hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác) theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Nghị định 158/2016; cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.
UBND các tỉnh, thành phố xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác trong hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cho nhà thầu thi công.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, trong đó nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.
Đồng thời không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản nên không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), chỉ thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với các mỏ cát, sỏi lòng sông nằm ở các đoạn sông, suối có nguy cơ sạt lở cao, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế để xem xét, hướng dẫn nhà thầu lập đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông và phải tuân thủ các quy định về tài nguyên nước.
Với các mỏ đã được khảo sát, thăm dò xác định chất lượng, trữ lượng, UBND địa phương thực hiện thủ tục xác nhận khu vực, khối lượng, công suất và kế hoạch khai thác trong hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cho nhà thầu thi công.
Trường hợp hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án chưa có số liệu về tài nguyên, trữ lượng thì chỉ đạo việc thực hiện khảo sát nhanh mà không phải thực hiện các thủ tục cấp phép thăm dò khoáng sản (không quy định mức độ xác định cấp tài nguyên, trữ lượng).
Địa phương cân nhắc mức độ khảo sát, đánh giá để có số liệu lập hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác. Kết quả khảo sát sẽ được sử dụng để lập hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác.
UBND cấp tỉnh căn cứ khối lượng khoáng sản, tạm tính tiền cấp quyền khai thác làm cơ sở xác định các nghĩa vụ tài chính liên quan để yêu cầu nhà thầu thực hiện. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chính thức được tính theo sản lượng khai thác thực tế và thu theo quy định tại Nghị định số 67/2019.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, các khu mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc các hạng mục của dự án được phê duyệt theo quy định thì thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Đất đai. Các địa phương tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của pháp luật.
Đối với các khu mỏ đất không thuộc các hạng mục của dự án được phê duyệt theo quy định thì thuộc trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.
Do đó, chủ đầu tư thực hiện sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai.