Giông lốc quật đổ cây xanh ở Hà Nội: Không gian sống của cây quá chật chội
(Dân trí) - “Hàng loạt cây xanh ở Hà Nội bị gãy đổ hôm 13/6 vừa rồi là do gặp thiên tai bất khả kháng. Nhưng 1 phần cũng do không gian sống của cây xanh trong nội thành quá chật chội, bộ rễ bị xâm hại nghiêm trọng…” - Tiến sỹ Đặng Văn Hà nhận định.
Trận giông lốc với cường độ rất mạnh lên tới cấp 9, cấp 10 bất ngờ “đổ bộ” vào Thủ đô Hà Nội chiều tối ngày 13/6 vừa qua đã khiến 1.290 cây xanh bị bật gốc, gãy đổ. Trong đó có 800 cây xanh thuộc địa bàn 12 quận nội thành và hơn 400 cây thuộc các huyện ngoại thành của Hà Nội.
Một vấn đề đặt ra là tại sao cây xanh trong nội thành Thủ đô Hà Nội mặc dù được che chắn bởi nhiều nhà cao tầng, đã hạn chế sự càn quét của gió, lốc rất nhiều, nhưng lại dễ bị “gục ngã” mỗi khi có giông, lốc hơn ở khu vực ngoại thành?
Hàng loạt cây xanh ở Hà Nội dễ dàng bị "quật ngã" trong trận giông lốc chiều ngày 13/6 (ảnh: Hồng Hải)
Về vấn đề này, PV Dân trí đã cuộc trao đổi với Tiến sỹ Đặng Văn Hà - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Cảnh quan và Nội thất, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam.
Tiến sỹ Hà cho biết, trận giông lốc xảy ra tại Hà Nội vào chiều 13/6 khiến nhiều cây xanh bị gãy đổ là do gặp thiên tai bất khả kháng, nhiều cây đã không “chống đỡ” được. Ngay cả nhiều công trình xây dựng cũng bị hư hỏng, chứ không riêng gì cây xanh.
“Hàng loạt cây xanh ở Hà Nội bị gẫy đổ hôm 13/6 vừa qua là do gặp thiên tai bất khả kháng. Tuy nhiên, theo tôi 1 phần cũng do không gian sống của cây xanh trong nội thành Hà Nội quá chật chội. Nhiều cây có tuổi đời rất cao, sau này do đô thị phát triển sau, đường sá, nhà cửa bắt đầu xây dựng đào bới xuống lòng đất, khi vướng rễ cây họ cắt bỏ. Rồi “anh” điện, “anh” nước mỗi lần làm mới hoặc tu sửa lại đào đất và khi gặp rễ cây lại cắt bỏ tiếp. Dẫn đến hệ rễ các cây bị xâm hại nguyên trọng, các rễ non sau này mọc ra không còn nhiều khả năng phát triển và bám đất vì vướng các công trình ngầm. Do đó, rễ nó cứ ăn luẩn quẩn trong diện tích đó, giống như cây đang trồng ở trong một cái chậu…” – Tiến sỹ Hà phân tích.
Cũng theo Tiến sỹ Hà, nếu bộ rễ 1 bên của cây xanh bị xâm hại, tán cây sẽ phát triển sang bên kia; nhà cửa “mọc” lên sẽ ảnh hưởng đến nguồn ánh sáng của cây xanh, cây sẽ phải vươn ra nơi có ánh sáng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quy luật phát triển của cây xanh, cây thường bị nghiêng ra đường dẫn đến khả năng gãy đổ rất cao khi gặp thời tiết bất lợi.
Nói thêm về chủng loại cây xanh phù hợp trồng ở đường phố Hà Nội, theo Tiến sỹ Hà là cây Vàng anh, Sấu, Sao đen, Lát hoa… Đây là những cây có khả năng chống chọi được với úng ngập rất tốt; rễ cọc, thân thẳng, phân cành cao, có lá và hình dáng tán đẹp, khả năng chống chịu gió bão tốt, ít bị gãy đổ, đảm bảo an toàn giao thông.
Nguyễn Dương