1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Có thể có hiện tượng “vòi rồng” trong cơn “siêu giông” ở Hà Nội

Theo ông Lê Thanh Hải - PGĐ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (KTTVQG), cơn giông chiều tối 13.6 tại Hà Nội có sức mạnh ngang một cơn bão, là một cơn “siêu giông”. Đáng chú ý, có thể trong cơn “siêu giông” này có kèm hiện tượng vòi rồng.

Theo ông Lê Thanh Hải, những cơn giông, đặc biệt là những cơn mạnh và nguy hiểm như trong chiều tối 13.6 tại Hà Nội không thể dự báo được mà chỉ có thể đưa ra cảnh báo trước từ 30 phút cho tới 3 tiếng. “Đây là một hiện tượng thời tiết cực kỳ nguy hiểm. Thậm chí, đối với những cơn lốc xoáy ở Mỹ người ta chỉ có thể dự báo từ 7 đến 14 phút để mọi người có thể chui xuống những hầm trú ẩn để tránh nguy hiểm đến an toàn tính mạng, còn nhà cửa và tài sản thì khó có thể tránh được thiệt hại” - ông Hải cho biết.

Có thể có hiện tượng vòi rồng trong cơn “siêu giông” ở Hà Nội. (ảnh: otofun)
Có thể có hiện tượng "vòi rồng" trong cơn “siêu giông” ở Hà Nội. (ảnh: otofun)

Cũng theo ghi nhận của TT KTTVQG thì đây là một trong những cơn giông lớn, mạnh và nguy hiểm nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. Theo các tài liệu quan trắc thì chưa ghi nhận được trường hợp nào mạnh như thế.

Cơn giông này bắt nguồn từ cơn giông nhỏ từ Hoà Bình, sau đó nó phát triển và lan dần sang các huyện ở phía Tây Nam Hà Nội như Ứng Hoà, Mỹ Đức, Thanh Oai. Sau đó vào nội thành, cơn giông này gặp điều kiện thuận lợi hơn khi gặp đúng thời điểm đối lưu nhiệt phát triển mạnh nhất nên đã gây ra cơn giông lớn như chiều tối 13.6.

Đối với khu vực phía Tây Nam Hà Nội, nơi có nhiều nhà cao tầng thì cơn giông càng mạnh mẽ hơn. Có thể nói cơn giông chiều 13.6 là một cơn "siêu giông", mà trong chuyên ngành khí tượng được gọi là "cơn giông siêu ổ”.

PGĐ TT KTTVQG cũng cho biết: Cơn giông trên có gió rất mạnh, tại Láng đo được gió cấp 8, tại Hà Đông đo được gió cấp 9, ước lượng tại một số tuyến phố có thể gió còn lên cấp 9-10. Vì vậy, cơn “siêu giông” này phải mạnh ngang một cơn bão.

“Đáng chú ý, có thể trong cơn “siêu giông" này có thể có một số cơn lốc xoáy, tức là những cái vòi thò từ trên đám mây xuống hút các vật dụng ở dưới như những bình nước, mái tôn lên và mang đi chỗ khác” - ông Lê Thanh Hải khẳng định.

Một căn nhà bị tốc mái trong cơn “siêu giông” ở Hà Nội. (ảnh: otofun)
Một căn nhà bị tốc mái trong cơn “siêu giông” ở Hà Nội. (ảnh: otofun)

Liên quan đến hiện tượng có những vòi hút các vật trong thời điểm diễn ra cơn giông, ông Hải nhấn mạnh: "Hôm đó có thể có vòi rồng nhưng hiện vẫn chưa có bằng chứng nào xác thực hôm đó có vòi rồng hút các thứ từ mặt đất lên. Không loại trừ trường hợp một đám mây trong cơn giông đó có thể có vài ba cái vòi hút khiến những vật ở mặt đất thể bị đổ, nhấc lên hoặc đem đi xa".

Về tính bất thường của cơn mưa giông tại Hà Nội chiều ngày 13.6, TT KTTVQG khẳng định việc xuất hiện của cơn giông vào tháng 6 là phù hợp với quy luật nhiều năm khi mưa giông thường xảy ra vào chiều và tối ở Hà Nội trong các tháng 5, 6 và 7, cao điểm là tháng 6. Tuy nhiên, có thể nói đây là một trong những trận giông lốc mạnh nhất từ trước tới nay ở Hà Nội với cường độ gió giật mạnh lên đến cấp 8 – 9, thậm chí có nhiều nơi còn lên tới cấp 9-10.

Theo Phi Long
Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm