1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Giấy khai sinh bị thu hồi, hủy bỏ khi nào?

Thế Kha

(Dân trí) - Dư luận đang quan tâm về quy định pháp luật hiện hành liên quan đến việc thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh sau khi UBND TP Hà Nội hủy giấy khai sinh của một học sinh sắp vào lớp 12.

Câu chuyện cháu T.H.N. (học sinh lớp 12, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa bị UBND TP Hà Nội thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh đã cấp năm 2008 được Dân trí phản ánh, đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Từ đây, nhiều ý kiến băn khoăn, thắc mắc về việc quy định liên quan đến thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh đang được thực hiện như thế nào?

Thông tin với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, điểm e khoản 1 Điều 69 và điểm h khoản 1 Điều 70 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định cụ thể thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy tờ hộ tịch cấp trái quy định của Luật Hộ tịch (trừ trường hợp kết hôn trái pháp luật) của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện.

Giấy khai sinh bị thu hồi, hủy bỏ khi nào? - 1

"Con trai tôi đang mất tự tin, buồn chán", bà Đỗ Hồng Diệp nói về việc Hà Nội hủy giấy khai sinh đã cấp năm 2008 cho cháu T.H.N và chưa rõ cơ quan chức năng sẽ giải quyết như thế nào (Ảnh: Thế Kha).

"Đối với các giấy tờ hộ tịch cấp trái với các văn bản quy định về đăng ký hộ tịch trước khi Luật Hộ tịch 2014 có hiệu lực thi hành thì việc thu hồi, hủy bỏ giấy tờ thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật về xử lý giấy tờ, văn bản hành chính", vị này cho hay.

Trong đó, cháu T.H.N. được Sở Tư pháp Hà Nội cấp giấy khai sinh năm 2008, trước thời điểm Luật Hộ tịch 2014 ra đời. Vì thế, Sở Tư pháp Hà Nội cấp giấy khai sinh, thực hiện ghi chú khai sinh cho cháu N. (có cha là công dân Trung Quốc, mẹ là người Việt Nam, được sinh ra tại Trung Quốc và đăng ký khai sinh tại Trung Quốc) không đúng quy định tại Điều 55 Nghị định 158/2005 của Chính phủ về đăng ký, quản lý hộ tịch.

Đến nay, Sở Tư pháp Hà Nội và UBND TP Hà Nội chưa công khai phương án giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho cháu T.H.N sau khi thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh của cháu N.

Giấy khai sinh bị thu hồi, hủy bỏ khi nào? - 2

Lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội thông báo việc thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh của cháu T.H.N (Ảnh: Thế Kha).

Theo Nghị định 123/2015 của Chính phủ hướng dẫn Luật Hộ tịch 2014, giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó.

Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong giấy khai sinh của người đó thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong giấy khai sinh.

Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại UBND xã, phường, thị trấn hoặc các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.

Điều 26 Nghị định 123/2015 quy định về thủ tục đăng ký lại khai sinh. Nếu việc đăng ký lại khai sinh được thực hiện tại UBND cấp xã không phải là nơi đã đăng ký khai sinh trước đây thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND có văn bản đề nghị UBND nơi đăng ký khai sinh trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, UBND nơi đã đăng ký khai sinh trước đây tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch.

Trường hợp người yêu cầu có bản sao giấy khai sinh trước đây được cấp hợp lệ thì nội dung đăng ký khai sinh được ghi theo nội dung bản sao giấy khai sinh; phần khai về cha, mẹ được ghi theo thời điểm đăng ký lại khai sinh.

Trong trường hợp người yêu cầu không có bản sao giấy khai sinh nhưng hồ sơ, giấy tờ cá nhân có sự thống nhất về nội dung khai sinh thì đăng ký lại theo nội dung đó.

Nếu hồ sơ, giấy tờ không thống nhất về nội dung khai sinh thì nội dung khai sinh được xác định theo hồ sơ, giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chính thức hợp lệ đầu tiên.

Mẹ học sinh bị thu hồi giấy khai sinh: "Tôi đã làm đúng pháp luật"

Trong thư mới gửi tới Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bà Đỗ Hồng Diệp (mẹ cháu T.H.N) phản ánh, năm 2008 sức khỏe của cháu N. không tốt nên cả gia đình quyết định từ Trung Quốc về Việt Nam sinh sống.

Bà Diệp đã tới Sở Tư pháp Hà Nội thực hiện các thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho con trai.

"Tôi đã nộp đầy đủ giấy tờ có công chứng dịch thuật, giấy chứng sinh Trung Quốc - chính là giấy khai sinh, hộ chiếu Trung Quốc lúc con 8 tháng tuổi, nơi sinh ở Trung Quốc. Cán bộ của Sở Tư pháp Hà Nội yêu cầu thông tin, giấy tờ gì thì tôi đều đã cung cấp đầy đủ, đúng quy định pháp luật. Sau khi được cấp giấy khai sinh, cháu T.H.N đã sinh sống, học tập từ bậc mầm non tới năm nay (học sinh lớp 12) gần 18 năm rồi", bà Diệp nói.

Theo bà Diệp, giấy khai sinh bị thu hồi, hủy bỏ đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con mình. "Con vô cùng mất tự tin, buồn chán vì có cảm giác bị bỏ rơi. Suốt thời gian qua gia đình tôi "ăn không ngon, ngủ không yên" vì chuyện này", bà Diệp chia sẻ.

Thậm chí, toàn bộ kế hoạch thi IELTS và SAT (2 chứng chỉ tiếng Anh quốc tế - PV) để dự trù cho việc vào thẳng đại học cũng như du học của cháu T.H.N. bị dừng lại một năm nay do thiếu giấy tờ.

Người mẹ này khẳng định đã làm đúng các quy định pháp luật và mong muốn lãnh đạo Hà Nội quan tâm, chỉ đạo giải quyết sự việc nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của con trai mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm