1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giao việc nhà cho chồng, khổ luyện mừng Đại lễ

Trong những lực lượng tham gia diễu binh ngày Đại lễ, có lẽ khối nữ của Binh chủng Thông tin là đặc biệt nhất. Để hoàn thành nhiệm vụ, có chị suốt 3 tháng không được nhìn mặt chồng con, có cô gái chấp nhận hoãn cả chuyện trăm năm…

Giao phó việc nhà cho chồng

 

Sau khi xem một loạt các giấy giới thiệu của tôi, Thượng tá Nguyễn Tài Quang - Chỉ huy trưởng khối nữ Binh chủng Thông tin thận trọng: “Đồng chí là nhà báo chúng tôi mới đặc cách cho xuống phòng ở của chị em chứ sắp đến ngày Đại lễ rồi. Chúng tôi rèn quân 3 tháng chỉ dùng 1 giờ. Nếu anh mang virus cúm hay dịch đau mắt đỏ vào đơn vị, mà lây lan cho chị em, thì chúng tôi không biết phải xử lý thế nào!”.

 

Giao việc nhà cho chồng, khổ luyện mừng Đại lễ - 1

Các chị em sau giờ luyện tập.

 

Theo Thượng tá Quang, các nữ chiến sĩ tham gia diễn binh được tập trung từ 25 tỉnh thành, xa nhất là Bình Phước. Tuy là “quân góp” nhưng chỉ sau tuần đầu chị em đã coi nhau như người trong nhà.

 

Nói chuyện với chúng tôi về công việc của mình, chị Nguyễn Thị Hợp, 35 tuổi, công tác tại trạm T799 Bắc Giang rất hăng say. Thế nhưng, khi hỏi chuyện gia đình, đuôi mắt chị ngân ngấn nước. Chị kể, chị nhận được quyết định đi huấn luyện diễu binh chiều hôm trước, sáng sớm hôm sau xe của đơn vị đã đưa lên Hòa Lạc tập trung.

 

Việc nhà chưa kịp sắp xếp gì, đành giao 2 con lại cho chồng. Ở nhà, chồng chị - anh Nguyễn Thanh Tuấn phải mang đứa bé về Vĩnh Phúc gửi bà ngoại. Còn anh, vừa đi làm vừa phụ trách cô con gái lớn 10 tuổi. Cháu bị bệnh thấp khớp mãn tính đã chớm vào tim, nên lúc nào cũng phải có bố mẹ ở bên cạnh.

 

“Hôm mình lên đây được một tháng thì hai bố con ở nhà nửa đêm ôm nhau đi cấp cứu, lúc biết tin lòng mình nóng như lửa đốt. Đêm đó, mình chạy xuống ban chỉ huy xin về nhà xem con thế nào nhưng các thủ trưởng đã động viên, và trực tiếp yêu cầu với đơn vị mình giúp đỡ. Ở quê, mọi người trong đơn vị đã thay mình chăm sóc cháu” - chị Hợp kể trong nước mắt sụt sùi.

 

Cũng theo chị Hợp, từ khi lên đây tập luyện chị được về tranh thủ một lần. Con cái hai đứa hai nơi nên chị chỉ được chọn một. Vậy là chị ngược lên Vĩnh Phúc thăm đứa nhỏ, còn đứa lớn thì suốt ba tháng nay chưa thấy mặt.

 

Con… quên tiếng mẹ

 

Chị Nguyễn Thị Huyền, công tác tại Viện Quân y 354 có con gái Lê Bảo Anh, 30 tháng tuổi cũng đành chấp nhận “giao con cho chồng”. Trò chuyện với tôi, chị tâm sự: “Bọn em ở trên này hôm nào cũng đếm từng ngày để mong hoàn thành nhiệm vụ, được về với chồng con. Từ hôm lên đây tập trung em mới được tranh thủ về nhà một ngày.

 

Chồng em thì tâm lý lắm, lúc nào cũng động viên vợ yên tâm tập luyện. Nhưng con thì quên mẹ rồi, lúc mới đi gọi điện về nhà cháu còn nói chuyện, bây giờ mẹ gọi, bố có đưa điện thoại cũng chẳng nói gì, nhiều lúc nghĩ đến mà tủi thân rớt nước mắt. Có hôm em tập mệt bị ngất xỉu, khi vừa tỉnh dậy lại nghe tin con ốm ở nhà, chồng đang đưa đi viện. Lúc đó không biết tâm trạng của mình thế nào nữa, chỉ muốn về ngay với con. Nhưng nghĩ đến nhiệm vụ lại quyết tâm tập cho tốt, để khỏi phụ lòng chồng con ở nhà chịu khó khăn cho mình đi công tác”.

 

Đại úy Nguyễn Văn Thanh - Chính trị viên của đơn vị cho biết, trong số 210 chị em thì có 47 đồng chí có con nhỏ nhưng tất cả đều khắc phục khó khăn, thực hiện chế độ luyện tập nghiêm ngặt, sáng báo thức 4 giờ 45, đến 6 giờ đã luyện tập, 10 giờ nghỉ trưa, chiều 15 giờ lại tập đến 18 giờ, tối 21 giờ là tắt điện đi ngủ. Những ngày đầu luyện tập mỗi buổi có đến bốn, năm chị em ngất xỉu, nhưng bây giờ thì hầu như việc đó không xảy ra nữa.

 

Một tuần chị em được nghỉ 1 buổi tại đơn vị, và được gặp gỡ người thân hoặc ra ngoài đúng 1 giờ đồng hồ. Anh Thanh kể một chuyện khiến nhiều người rơi nước mắt. Có chị chồng là lính Trường Sa về nghỉ phép. Về không thấy vợ ở nhà, anh lính ấy lên tận đơn vị xin cho vợ được về nhà một hôm, vì hơn năm nay vợ chồng không gặp mặt. Thế nhưng việc nhà binh, đơn vị vẫn phải giữ nguyên tắc và động viên 2 vợ chồng cùng “vượt khó”.

 

Hoãn việc trăm năm

 

Trong những chiến sĩ phải gác việc riêng tư lại để luyện tập thì có lẽ cô gái Trịnh Thị Mai Nga, 25 tuổi, đến từ Học viện Quân y là dũng cảm và… thiệt thòi nhất. Nga tâm sự, chị và chồng sắp cưới cùng 2 bên gia đình từ đầu năm đã ấn định ngày cưới là ngày 10/10/2010.

 

Đùng một cái chị có lệnh đi tập trung, thế là đành phải hoãn việc cưới đúng dịp ngàn năm có một, khăn gói lên đây luyện tập. “Mới đầu lên em buồn lắm, khóc suốt, nhưng thấy nhiều chị có hoàn cảnh còn vất vả hơn mình, tất cả đều động viên nhau, cố gắng tập thật tốt vì đây đúng là một vinh dự nghìn năm có một. Em đã động viên chồng em hoãn cưới lại đúng 1 tuần, mọi việc chuẩn bị đều do anh ý tự xoay, và nhờ 2 bên bố mẹ làm giúp”.

 

Tập trung tập luyện ở trên này, Nga được đặc cách về nhà 2 lần, một lần thì đơn vị về xác minh lý lịch trước khi cưới, một lần thì được đi 2 tiếng vừa trang điểm vừa chụp ảnh cưới.

 

Theo GĐ&XH/Dân Việt