1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giao Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là phù hợp?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho rằng, giao quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an là phù hợp.

Chiều 10/2, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học "Những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ GVTV sang Bộ Công an".

12 năm, hơn 113.000 người chết vì tai nạn giao thông đường bộ

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, theo thống kê từ năm 2009 đến tháng 12/2021, toàn quốc xảy ra hơn 360 nghìn vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 113 nghìn người, bị thương hơn 356 nghìn người (chiếm 97% số vụ, số người chết, số người bị thương trong tổng số vụ tai nạn giao thông nói chung), gây thiệt hại lớn về tài sản. 

Đáng chú ý nguyên nhân các vụ tai nạn nói trên là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Cũng thời gian trên, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý hơn 65 triệu lượt trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, xảy ra gần 600 vụ chống lại lực lượng làm công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, làm 7 cán bộ hy sinh,186 cán bộ bị thương.

Thực trạng trên cho thấy, việc tăng cường công tác quản lý người tham gia giao thông, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông, là cần thiết. Trong đó chú ý đến việc xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao kiến thức pháp luật giao thông đường bộ, kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn cho người tham gia giao thông.

Giao Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là phù hợp? - 1

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Theo Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sáu, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là khâu của công tác quản lý người điều khiển phương tiện giao thông và có quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời với quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

"Quản lý người điều khiển phương tiện giao thông thực chất là nhằm bảo vệ các quyền con người, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đồng thời còn đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội diễn ra trong môi trường giao thông, nhưng lại không được giao trách nhiệm chính cho Bộ quản lý chuyên ngành về bảo vệ trật tự an toàn xã hội đảm nhiệm, mà đang do cơ quan quản lý về kinh tế - kỹ thuật thực hiện. Việc này dẫn đến hiệu quả quản lý sau khi cấp giấy phép lái xe rất hạn chế, không quy được trách nhiệm chính cho cơ quan nào, việc kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông gặp khó khăn", Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, trong bài tham luận của mình, Tiến sĩ Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết, tại Khoản 1 Điều 601 Bộ Luật Dân sự năm  2015 quy định, phương tiện GTVT cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ,  tiềm ẩn các nguy cơ gây mất an ninh, an toàn... Song nhiệm vụ quản lý người điều khiển phương tiện đang do cơ quan quản lý về kinh tế - kỹ thuật thực hiện. Trong khi cơ quan chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn chỉ quản lý hành vi chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, dẫn đến hiệu quả quản lý sau cấp giấy phép lái xe rất hạn chế.

Theo ông Môn, việc quy được trách nhiệm cho cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn; hiệu quả của việc kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông chưa như mong muốn. 

"Việc quản lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là hai vấn đề có quan hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, công tác quản lý này chưa có sự tập trung, thống nhất do nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý", ông Môn nêu trong bài tham luận của mình.

Từ phân tích trên, ông Môn đưa ra quan điểm, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, một trong những nhân tố quan trọng quyết định chất lượng người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, có ý nghĩa quan trọng đối với tình hình trật tự an toàn giao thông. Do đó, cần nghiên cứu chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ cho Bộ Công an, để phù hợp với chức năng quản lý con người về trật tự an toàn xã hội,...

Giao Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là phù hợp? - 2

GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Tại hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho rằng, chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ GTVT đang thực hiện nên giao cho Bộ Công an là phù hợp.

Ông Đường lý giải, Bộ Công an đang được giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia. Trong đó có công tác đảm bảo an ninh, an toàn giao thông thông qua chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, cấp giấy phép lái xe...

Hàng trăm trung tâm sát hạch lái xe của Bộ GTVT sẽ ra sao khi chuyển giao?

Đồng tình với các quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Phó trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương - phân tích thêm: Công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ tháng 7/1995 trở về trước do Bộ Công an quản lý, từ tháng 8/1995 do Bộ GTVT quản lý. Công tác xử lý vi phạm hành chính, tai nạn giao thông do Bộ Công an quản lý. Từ đó cơ sở dữ liệu không được kết nối chặt chẽ, việc quản lý nhà nước bị "cắt khúc", Bộ Công an chỉ quản lý "phần ngọn".

Công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe do Bộ GTVT quản lý, bên cạnh những ưu điểm, thuận lợi, đã bộc lộ những hạn chế, bất cập và khó khăn.

"Nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,... đều đã giao quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho lực lượng cảnh sát", ông Thông nói.

Trong bài tham luận của mình, GS.TS Nguyễn Minh Đức, Đại biểu Quốc hội TPHCM đã nhắc tới một nội dung mà dư luận đang quan tâm, đó là: Quá trình chuyển giao chức năng quản lý nhà nước đòi hỏi cơ quan Chính phủ, Bộ Công an và Bộ GTVT nói riêng cần phải rất cân nhắc chuyển giao các trung tâm đào tạo, sát hạch của Bộ GTVT.

Giao Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là phù hợp? - 3

GS.TS Nguyễn Minh Đức cho rằng: Việc "chuyển giao" này không gây xáo trộn, các cơ sở và trung tâm vẫn hoạt động bình thường, chỉ thay đổi chủ thể quản lý. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Về vấn đề này, có nhiều ý kiến cho rằng, trên toàn quốc hiện có 329 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 370 cơ sở đào tạo lái xe ô tô. Hiện cả nước có 149 trung tâm sát hạch lái xe ô tô phân bổ ở 58 tỉnh, thành phố. Nếu chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an quản lý thì các cơ sở, trung tâm này sẽ như thế nào?

Ông Đức cho rằng, việc "chuyển giao" này không gây xáo trộn, các cơ sở và trung tâm vẫn hoạt động bình thường, chỉ thay đổi chủ thể quản lý.

"Tất nhiên sự thay đổi này sẽ có sự thay đổi về một số thông tin trên hệ thống phôi bằng, tất yếu sẽ có tác động về chi phí khi đã in phôi và in mới phôi bằng. Nhưng mục đích quan trọng nhất là thống nhất quản lý nhà nước về thông tin cá nhân khi tham gia giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông nói riêng và bảo đảm an ninh, trật tự nói chung", ông Đức nói.