Chuyển cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an liệu có làm phình bộ máy?
(Dân trí) - Thảo luận về Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đại biểu Quốc hội đề nghị ban soạn thảo làm rõ việc chuyển cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an có làm phình bộ máy ngành công an?
Sáng 11/11, thảo luận tại tổ xây dựng dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đại biểu Trần Ngọc Khánh (đoàn Khánh Hòa) cho biết, cả nước hiện nay có 340 cơ sở đào tạo cấp bằng lái xe. Hầu hết cơ sở này đã được xã hội hóa. Trong khi đó, cơ quan nhà nước có nhiệm vụ tổ chức hội đồng sát hạch cấp giấy phép lái xe. Do vậy, theo ông Khánh, nếu để Bộ GTVT hay chuyển sang Bộ Công an thì vẫn là tư nhân làm nhiệm vụ đào tạo, cấp chứng chỉ cho người học lái xe.
Cùng vấn đề này, đại biểu Cần Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, việc chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an sẽ gây lãng phí về nguồn lực con người và cơ sở vật chất hiện nay.
“Do vậy, ban soạn thảo cần làm rõ số cơ sở vật chất của các trung tâm đào tạo, sát hạch bằng lái xe được sắp xếp thế nào? Số cán bộ hiện nay ở các cơ sở đào tạo, sát hạch sẽ làm gì trong thời gian tới, vì họ không phải là công an. Nếu không đánh giá được như vậy thì lực lượng này có nguy cơ mất việc, trong khi đó lại làm phình bộ máy của ngành công an”, bà Mẫn nói.
Qua dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (đoàn Thanh Hóa) cũng nhận thấy chưa có phân tích rõ ràng khi chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an thì Bộ Công an có tăng biên chế hay không, có tăng chi phí đào tạo hay không? Theo nhận định của đại biểu, ngay cả khi Chính phủ có khẳng định không tăng biên chế, nhưng thực tế vẫn phải có cán bộ hưởng ngân sách để làm việc này.
Đại biểu Bùi Thị Thùy (đoàn Thanh Hóa) băn khoăn với việc trước đây việc cấp giấy phép lái xe thuộc thẩm quyền của Bộ Công an, sau đó được chuyển sang Bộ GTVT, nay lại chuyển về Bộ Công an.
“Nếu chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an mà “vẫn thế thôi” thì chuyển sang để làm gì? Nếu chưa yên tâm quá trình sát hạch thì chúng ta chỉ cần bổ sung thêm đại diện ngành công an vào thành phần sát hạch giấy cấp giấy phép lái xe là được”, đại biểu Thùy nói.
Về vấn đề đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, phần lớn cơ sở đào tạo đã được xã hội hóa. Các cơ sở sát hạch cấp giấp phép lái xe thì của Bộ GTVT.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc cấp phép cũng tùy từng loại, nếu như phương tiện của Bộ Quốc phòng, của Công an thì giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, còn dân sự thì giao cho Bộ GTVT. Hiện nay có hơn 2.000 cán bộ, công chức, và 22.000 tỷ đồng đã được chi vào đây.
“Dù anh Khánh nói có nói sau này nếu có chuyển sang Bộ Công an cũng chỉ một cơ quan nào đó, bộ phận nào đó ký hợp đồng với cơ quan đào tạo làm việc này, nhưng thực tế có cần thiết làm như vậy không? Đó là chưa nói bây giờ phải tập trung chuyên môn hóa, lực lượng vũ trang cần làm những gì thật sự vũ trang, còn dân sự thì để cho dân sự theo hướng xã hội hóa, chúng ta chỉ quản lý nhà nước thôi”, ông Uông Chu Lưu nói.