"Phải tách Luật Giao thông đường bộ - không cần bàn cãi nữa!"
(Dân trí) - Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, hiện nay chúng ta đang đánh đồng giữa an toàn giao thông và an toàn chất lượng công trình.
Sáng 10/2, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ: "Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ". Trung tướng Đỗ Lê Chi, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an (V04 - Bộ Công an) chủ trì buổi hội thảo.
Hội thảo nhằm làm rõ luận cứ, luận chứng khoa học để góp phần hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hướng tới xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn.
Trong đó, các đại biểu nhà khoa học tập trung phân tích về việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Các đại biểu cho rằng, việc tách luật phải phù hợp với xu hướng lập pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, đảm bảo phân công nhiệm vụ rõ ràng, từ đó đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
An toàn giao thông thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội
Mở đầu phần tham luận của mình, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) lấy dẫn chứng các vụ việc cụ thể như, xe cá nhân kinh doanh vận tải đã vào các Hợp tác xã để lấy được giấy phép kinh doanh vận tải, nhưng không may lái xe bị tai nạn tử vong thì "có ai chịu trách nhiệm không?".
Ví dụ thứ 2 ông Bình đưa ra đó là vụ lái xe Lê Ngọc Hoàng điều khiển ô tô Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và gây ra tai nạn làm 5 người chết, xảy ra ngày 19/11/2016.
"Tất cả các lỗi về lái xe tôi không đề cập nữa, nhưng nếu làn đường khẩn cấp của tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thiết kế chuẩn, thì lái xe sẽ lùi trong làn khẩn cấp, thì lái xe là sai nhưng chưa chắc đã xảy ra hậu quả như vậy. Lỗi này thuộc về ai, hay người chịu trách nhiệm chính cuối cùng vẫn là người gây ra tai nạn?", ông Bình đặt vấn đề.
Trở lại vấn đề chính của chủ đề Hội thảo, ông Bình nêu 7 vấn đề nói về tính cần thiết phải tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.
Trong đó có vấn đề ông nhấn mạnh, đó là an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là các lĩnh vực rất lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật dẫn đến các quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện, như: An toàn giao thông (an toàn cho con người đi đường) thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hệ tầng giao thông và vận tải đường bộ (trong đó có chất lượng an toàn công trình và phương tiện) thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật. Tên gọi Luật Giao thông đường bộ là chuyên ngành, nhưng nội dung, phạm vi điều chỉnh không đúng là luật chuyên ngành dẫn đến hiểu không đúng về mục tiêu của từng lĩnh vực.
Theo đó, các quy phạm pháp luật, điều khoản, chương, mục của Luật giao thông đường bộ năm 2008 hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và đa số các điều khoản, chương, mục của Luật chỉ có thể áp dụng cho một lĩnh vực, không thể đồng thời áp dụng cho cả 3 lĩnh vực.
"Có ý kiến cho rằng tại sao không xây dựng luật chung và bổ sung các chế định vào cho hoàn thiện. Tên luật là Luật Giao thông, tức là luật đi đường, nhưng nội dung thì không chỉ đi đường mà có phát triển hạ tầng, phát triển vận tải. Nếu bổ sung các chế định, thì chúng ta có bộ luật rất lớn và không đầy đủ. Mọi người xem lại luật hiện nay, có hẳn một Điều về phát triển hạ tầng, nhưng gần như chúng ta nhạt nhòa về an toàn. Chúng ta đang đánh đồng giữa an toàn giao thông và an toàn chất lượng công trình", ông Bình nói thêm.
"Tách luật không cần bàn cãi nữa"
Tham luận tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết, 2 Luật nêu trên được Bộ Công an trình Chính phủ. Chính phủ có tờ trình gửi Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14 nhiều đại biểu đã cho ý kiến.
"Thời điểm trên, căn cứ lý luận và thực tiễn của dự thảo luật còn thiếu thuyết phục nên Quốc hội yêu cầu trả về cho Chính phủ nghiên cứu, bổ sung và tính toán việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Gần một năm sau đó, ngày 30/1/2022, Chính phủ có Nghị quyết đồng ý tách luật và giao nhiệm vụ cho Bộ Công an và Bộ GTVT trực tiếp tham gia hoàn thiện dự thảo luật này", Trung tướng Đức thông tin.
Trung tướng Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, việc tách luật đến nay không cần bàn cãi nữa, nhưng điều quan trọng là việc thực hiện tách luật phải được thực hiện chặt chẽ. Khi tách phải chuẩn nhất không bị trùng. Để làm được việc này, ông Đức nhận định đây là "việc rất khó".
"Việc ban hành luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ tạo ra bước đột phá về trật tự an toàn giao thông đường bộ với những nội dung đột phá về chính sách, sẽ mang lại lợi ích lớn cho nhà nước và nhân dân, như: Thể chế hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý rõ, cụ thể trong đảm bảo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước...; Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trước Đảng, nhân dân trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông...; Phù hợp với quy luật phát triển và kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới; Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế", Trung tướng Nguyễn Minh Đức nói.
Tán thành với việc tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật là cần thiết, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phân tích với 3 điểm chính, đó là: Cơ sở chính trị, pháp lý; cơ sở thực tiễn vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và tính cấp thiết của vấn đề này - từ góc nhìn báo chí truyền thông.
Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, việc tách thành hai luật chuyên ngành riêng sẽ phân khúc chuẩn xác hơn và dễ dàng hơn trong việc xác định Cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính cho cả ba lĩnh vực. Đó là: An toàn giao thông (tương ứng với Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ); Kết cấu hạ tầng giao thông; Vận tải đường bộ (tương ứng với Luật Đường bộ).
Từ góc nhìn quản lý báo chí truyền thông, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, tính cấp thiết của việc tách 2 luật được thể hiện trong việc ứng dụng phương pháp tiếp cận quyền con người trong việc xây dựng Dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.
Đồng thời, việc này cũng xuất phát từ yêu cầu cấp thiết về điều kiện pháp lý cho việc số hóa và xây dựng dữ liệu lớn trong phân cấp, quản lý đối với các chủ thể chịu trách nhiệm trong từng lĩnh vực thuộc Giao thông đường bộ.