1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đà Nẵng:

Giảm cấp phó thì... không đủ người đi họp?

(Dân trí) - Giải trình trước Đoàn giám sát của Quốc hội về việc một số sở ở Đà Nẵng có nhiều cấp phó hơn so với quy định, bên cạnh nhiều nguyên nhân, ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng nêu thực trạng giảm cấp phó thì không đủ người đi họp.

Sáng nay 27/4, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Tại cuộc họp, giải trình trước Đoàn giám sát của Quốc hội về việc một số sở ở Đà Nẵng có nhiều cấp phó hơn so với quy định (như Sở Y tế có 5 Phó Giám đốc, Sở Nội vụ có 4, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội có 4, trong khi quy định không quá 3 người), ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng - chia sẻ: Đà Nẵng trong thời gian qua đã thống nhất chủ trương kiên quyết không bổ nhiệm thêm và có lộ trình xử lý tình trạng cấp phó dôi dư.

Ông Đồng giải trình, Sở Y tế có 5 Phó Giám đốc nhưng trong năm 2017 này có 2 người nghỉ hưu. Ngoài ra, vận động một người nữa là ông Nguyễn Út đang kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng thôi chức Phó Giám đốc Sở.

Cũng theo ông Đồng, cấp phó chuyên ngành y tế mà chuyển sang ngành khác thì khó nên cần có lộ trình xử lý số lượng cấp phó dôi dư.

Trường hợp Sở Nội vụ có 4 Phó Giám đốc là do quá trình bổ nhiệm trước đây, hiện cũng đang có lộ trình xử lý. Sở Lao động - Thương binh - Xã hội dư 1 người thì sang năm 2018 sẽ có một người nghỉ hưu.

Về vấn đề cấp phó, ông Đồng cũng nêu lại có nhiều vấn đề như đa ngành, đa lĩnh vực; rồi thực trạng không đủ người để đi họp; trong khi các cuộc họp yêu cầu phải có lãnh đạo đi họp, không đi không được.

Nói về việc này, GS.TS Phan Trung Lý, thành viên Đoàn giám sát Quốc hội cho rằng: “Phân cấp phó không phải để đi họp, nếu đủ người để đi họp thì có cả trăm ông phó cũng không đủ. Phân cấp phó là để cấp trưởng giao làm thay nhiệm vụ khi cần”.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - chia sẻ: “Vấn đề cấp phó có phải là căn bệnh của chúng ta hay không? Nêu thực trạng thiếu cấp phó đi họp là đúng. Có nhiều ông Bí thư, Chủ tịch yêu cầu lãnh đạo Sở phải đi họp, mà ông nào ngày nào cũng họp. Ông giám đốc không đi hết thì cử cấp phó đi. Đã có trường hợp cử cấp phó đi còn bị đuổi về.

Cho nên theo tôi, tại các cuộc họp cần thiết cử người nắm được vấn đề và có hiệu quả đi là được. Do cách phân công của chúng ta thôi. Nhiều chỗ ông trưởng không giao cho ông phó làm gì. Bệnh của mình là “sính” cấp phó. Nhiều nơi thực tế có cấp phó cho oai thế thôi chứ thực tế không làm gì. Cần ít người thôi nhưng cấp phó cũng có thực quyền và làm việc hiệu quả”.

Về chủ trương tinh giản biên chế, ông Huỳnh Đức Thơ nói: “Thực trạng chung của cả nước theo tôi thấy là càng hô hào giảm thì càng tăng. Có hiện tượng là ở khu vực hành chính công số lượng biên chế nghiêm ngặt quá thì lại “chui” vào khu vực sự nghiệp công lập, nơi mà một số khu vực vẫn còn bao cấp nhiều. “Chui” vào chỗ nào mà làm cồng kềnh bộ máy thì cũng là gánh nặng ngân sách. Ví dụ như bệnh viện tự chủ 60 - 70% thì cũng còn “kẽ hở” để “nhét” biên chế vào. Cần tiến tới tự chủ hơn nữa trong khu vực sự nghiệp công lập. Đây cũng là giải pháp để tăng tính cạnh tranh với khu vực tư và phát triển.

Đánh giá chung qua chuyến công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội tại Đà Nẵng, ông Trần Văn Túy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng đoàn công tác - đánh giá cao về những nỗ lực và thành quả của Đà Nẵng trong công tác cải cách hành chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Ông Trần Văn Túy đánh giá cao công tác cải cách hành chính của Đà Nẵng
Ông Trần Văn Túy đánh giá cao công tác cải cách hành chính của Đà Nẵng

Trưởng Đoàn công tác cũng lưu ý Đà Nẵng trong thực thi tinh giản biên chế cần giao quyền cho người đứng đầu, thủ trưởng đơn vị. Lãnh đạo phải biết mình cần bao nhiêu người, người như thế nào. Ông nêu câu chuyện ở Singapore thưởng cho những người trong cơ quan có sáng kiến đổi mới công tác hành chính hiệu quả. Dù thưởng ít cũng là “đánh” vào danh dự, khuyến khích những người làm việc có sáng kiến, có hiệu quả chứ không phải ai cũng “bình bình” như nhau.

Tâm An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm