1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Giải pháp nào để cải thiện những con số màu xám của kinh tế miền Tây?

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Hạ tầng kết nối yếu kém, trình độ lao động chưa cao, thiên tai đe dọa đã khiến kinh tế miền Tây phát triển không xứng tiềm năng. Tỷ lệ thiếu việc làm trong vùng luôn cao hơn mặt bằng chung cả nước.

Ngày 29/11, UBND TP Cần Thơ phối hợp Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Diễn đàn Quốc tế phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (SDMD).

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết, diễn đàn có mục tiêu kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế để cung cấp, chia sẻ thông tin, và đề xuất giải pháp phát triển bền vững các lĩnh vực trọng yếu của vùng.

Giải pháp nào để cải thiện những con số màu xám của kinh tế miền Tây? - 1

Ông Dương Tấn Hiển phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Phát triển bền vững không phải là nhiệm vụ của riêng ai, mà là trách nhiệm chung. Chúng ta cần cùng nhau hành động để bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và xây dựng một xã hội công bằng, văn minh", ông Hiển phát biểu.

Tại diễn đàn, bà Võ Thị Thu Hương, Phó giám đốc Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) - chi nhánh ĐBSCL, cho biết, kinh tế của vùng đang trong giai đoạn phát triển tiền công nghiệp, tăng trưởng bình quân khoảng 5% mỗi năm.

Toàn vùng có khoảng 65.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 7% cả nước. Tuy số doanh nghiệp tăng qua các năm, nhưng hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, vốn của doanh nghiệp thành lập mới ngày càng ít.

Bà Hương nêu dẫn chứng, năm 2016 có khoảng 36.500 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp ở ĐBSCL. Tuy nhiên đến năm 2022 nguồn vốn này chỉ có khoảng 33.000 tỷ đồng.

Giải pháp nào để cải thiện những con số màu xám của kinh tế miền Tây? - 2

Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang được xây dựng kỳ vọng tạo động lực cho kinh tế khu vực (Ảnh: Bảo Kỳ).

Tỷ trọng vốn đầu tư cho công nghiệp chế biến chế tạo của vùng luôn thấp hơn bình quân cả nước. Tỷ trọng giá trị công nghiệp chế biến chế tạo của miền Tây hiện chỉ chiếm 16,6% cả nước và có xu hướng ngày càng thu hẹp.

Tỷ trọng giá trị xuất khẩu của vùng cũng ngày càng thu nhỏ. Năm 2013 chiếm khoảng 8,5% cả nước nhưng năm 2022 chỉ còn khoảng 6,5%.

Tỷ lệ thiếu việc làm trong vùng luôn cao hơn mặt bằng chung cả nước. Năm 2023 miền Tây có gần 2,9% lao động thiếu việc.

Tiến sĩ Trần Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng trường Bách Khoa (Trường Đại học Cần Thơ) cũng cung cấp nhiều thông tin ảm đạm về lực lượng lao động của miền Tây.

Ông Hùng cho biết, khoảng một nửa lao động trong vùng chưa qua đào tạo, đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ khoảng 15% lao động miền Tây có trình độ cao, tỷ lệ rất thấp so với cả nước.

Giải pháp nào để cải thiện những con số màu xám của kinh tế miền Tây? - 3

TP Cần Thơ được định hướng trở thành đô thị sinh thái, trung tâm kinh tế của vùng (Ảnh: Hải Long).

"Trong vùng chỉ có khoảng 160.000 sinh viên trong tổng số gần 2 triệu sinh viên của cả nước. Chỉ có 89 sinh viên/10.000 dân, chưa đạt 1/3 so với tiêu chí ngành giáo dục đặt ra", ông Hùng phát biểu.

Tại diễn đàn, ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, nhận định, ĐBSCL đang trong thời kỳ dân số vàng. Đây là giai đoạn sẽ quyết định tương lai kinh tế, vì vậy cần tận dụng lợi thế này để bứt phá. Vị chuyên gia cũng cho rằng ĐBSCL có vị trí chiến lược trong vấn đề an ninh lương thực thế giới.

Theo ông Sugano Yuichi, ngoài những khó khăn như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạ tầng đang là nút thắt cổ chai mà chính quyền các tỉnh trong vùng cần phải tháo gỡ.

Giải pháp nào để cải thiện những con số màu xám của kinh tế miền Tây? - 4

Ông Sugano Yuichi phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Các địa phương trong vùng cần liên kết tốt hơn, cùng hành động để cải thiện hạ tầng và thích ứng biến đổi khí hậu, ngăn chặn suy thoái tài nguyên đất. ĐBSCL cần phát triển công nghiệp, biến công nghiệp thành điểm tựa vững chắc để cải thiện kinh tế, tăng cơ hội việc làm, mở rộng thị trường và bảo vệ môi trường.

Chuyển đổi số cũng cần được coi là hành động mang tính cách mạng để phát triển kinh tế khu vực", vị chuyên gia đến từ Nhật Bản nói.

Sau những khó khăn và giải pháp được các chuyên gia nêu ra, Ban Chỉ đạo Diễn đàn SDMD 2045 khuyến nghị, muốn phát triển bền vững, các tỉnh thành miền Tây cần hoàn thiện hạ tầng kết nối để thu hút đầu tư, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Các địa phương cần phát triển kinh tế số và chuyển đổi số để bắt kịp xu thế, đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác giữa các bên và hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm