1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Gia đình lao động nghèo gần 300 lần hiến máu

(Dân trí) - Đại gia đình ấy với 23 con người, sống chật vật trong một căn nhà gần 70m2 trên đường Trần Huy Liệu, phường Phú Hòa (TP Huế). Họ sống nghèo khó với đủ nghề bán vé số, đạp xích lô, phụ hồ nhưng đều say mê quên mình hiến máu cứu người..

Gia đình lao động nghèo gần 300 lần hiến máu - 1

Ông Thanh, chủ "ngôi nhà hiến máu"
 
“Duyên nợ” với máu

 

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Phước Bửu Thanh và vợ ông là bà Liên (gần 80 tuổi) khi ông bà đang ngắt những cọng khoai lang để chuẩn bị cho bữa trưa. Gia đình ông có tới 12 người con nên cuộc sống khó khăn, chật vật khiến ông phải bôn ba nhiều nơi kiếm sống.

 

Bươn chải quá sức đã khiến ông mắc bệnh. Bệnh viện kết luận ông phải phẫu thuật mới mong được sống. Nhưng trong gia đình không có ai cùng nhóm máu với ông, tiền mua máu không có, thế là ca phẫu thuật phải hoãn lại, chờ mong có người tốt tình nguyện cho máu.

 

Biết tin ông Quý đang thoi thóp chờ máu phẫu thuật, anh Quý bạn ông liền gọi cả gia đình, hơn 20 người, tập trung tới viện xét nghiệm xem ai trùng nhóm máu thì sẵn sàng hiến cứu bạn.

 

Chứng kiến cảnh ấy, gia đình ông Thanh cảm động rơi nước mắt. Nhờ tấm lòng của gia đình người bạn ấy, ông Thanh được phẫu thuật kịp thời, giữ được mạng sống. Mỗi lần nhìn vết mổ, ông lại nói: “Giờ trong người tui có dòng máu của người khác. Cái mạng này do bạn bè mình cứu, nên tui không thể ngồi yên được...”.

 

Từ đó ông luôn thúc giục con cái phải “trả nợ đời”. Như một “duyên nợ”, khiến đại gia đình ông tìm đến với “nghề hiến máu”. “Nhìn thấy cha mình bị đau trong cơn nguy kịch, cả gia đình dường như bất lực đứng nhìn nhau. Nhưng không ngờ lại có nhiều người tới cho mình máu. Nhìn vào đó anh em tui như “mắc đời” một cái gì vậy....”, anh Định con trai ông chia sẻ.

 

Đã mấy chục năm trôi qua nhưng “món nợ” đó vẫn như khắc vào tim. Những người con của ông đã khôn lớn, trưởng thành, có gia đình riêng và vẫn thường xuyên thực hiện “nhiệm vụ” hiến máu để cứu người.

 

Gia đình vốn nghèo, cả 6 hộ gia đình với 23 con người chung sống trong một gian nhà chật hẹp. Cuộc mưu sinh gian nan. “Hồi đó cơm cũng chẳng có mà ăn, cha mẹ con cái phải bám nhau mà sống, được ngày nào hay ngày đó. Giờ chẳng đứa nào có công việc gì ổn định cả, đứa thì đạp xích lô, đứa đi bán hàng ở vỉa hè, đứa thì bốc vác...”, ông Thanh chảy nước mắt khi nói về gia cảnh.

 

Khó khăn là thế nhưng mỗi lúc có đợt hiến máu là cả đại gia đình lại thi nhau đăng kí đi hiến. “Mỗi lần đi hiến máu là tui tìm được niềm vui sau những ngày làm ăn mệt nhọc. Nhiều lúc nghĩ nghề mình làm đến bao giờ mới giúp được người ta, nhưng mỗi lần đi hiến máu tui có cảm giác như đang tìm lại chính mình. Cảm thấy cuộc sống này mình đang tồn tại có ý nghĩa khi mình giúp được một ai đó...”, chị Bé con gái ông nói.

 

Một lần cho 250-300ml máu, một con số không nhỏ, nhưng chị Bé cười hào sảng: “Đi hiến nhiều rứa nhưng được cái là trời cho chị em tui cái sức, vẫn khỏe đụi đụi, không thì răng mà phụ thợ nề được. Với mình chừng đó thì thấm thía gì, chứ bệnh nhân họ thiếu máu thì chết...!”.

 

Cứu người như cứu mình

 

Đó là động lực thúc đẩy cô con gái út Công Tôn Nữ Thanh Tâm (33 tuổi) trở thành “trùm” hiến máu với 45 lần. Nói về “thành tích” của mình, chị kể: Khi cha được ra viện, cuộc sống khó khăn mỗi người dạt về một phương kiếm sống, chị cũng vào Sài Gòn làm công nhân may mặc. Trên đường đi về thấy họ dán một băng rôn, trên đó ghi “Giọt máu mạng người, mọi người đang cần giọt máu của bạn”. Bỗng nhiên bao nhiêu ký ức dồn về trong chị. “Hình ảnh ba tôi hiện diện, những nỗi đau khi ba nằm vật vã và tôi đã khóc... cho nên bây giờ là cơ hội để mình trả...”.

 

Từ đó cứ mỗi khi chương trình hiến máu nhân đạo, chị lại xung phong đi đầu. “Có lần mình mới hiến xong được một tuần, về nhà đứa bạn chơi thấy có đợt hiến máu, mình lại xung phong. Bác sĩ biết không cho hiến nữa. Từ đó bác sĩ có hỏi tôi lại nói dối…”, chị kể.

 

Bạn bè nhiều người khuyên chị đừng đi hiến máu để đảm bảo sức khỏe. Nghe vậy chị chỉ cười trừ. Chị còn vận động những người bạn của mình cùng tham gia hiến máu tình nguyện. Những người không hiểu vẫn bảo gia đình chị “điên”, bản thân chưa đủ ăn mà còn đi lo cho người khác. “Cứ nói chưa đủ ăn thì biết lúc mô mới giúp người khác được. Kệ, điều gì làm được thì cố mà làm thôi. Ai cũng nên làm việc thiện, người có tiền của họ làm kiểu khác, nhà Tâm khó thì dùng máu cứu người. Mà cứu một người hơn xây chín bậc phù đồ đó”.

 

Sau 9 năm bươn chải trên đất Sài Gòn, chị quay về Huế với 2 tấm huy chương vì những “thành tích” trong hiến máu tình nguyện. Trở về quê hương chị lại tiếp tục hiến máu và trở thành “cộng tác viên” thường xuyên của Khoa tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế, và cả với những bệnh nhân cần tiếp máu khẩn cấp.

 

Chị nhớ có một lần chị vào thăm môt người bạn trong bệnh viện, gặp trường hợp một cháu nhỏ bị tim bẩm sinh, đang chờ máu phẫu thuật. Biết cháu bé trùng nhóm máu với mình, chị vội chạy về nhà gọi thêm 4 thành viên khác trong gia đình tới bệnh viện. Khi đã hiến đủ máu, chị và mọi người quay về mà không biết người mình vừa cứu là ai, tên gì...!

 

Với “thành tích hiến máu” đó, chị Tâm được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” năm 2004.

 

Anh Định (38 tuổi) anh trai chị, hiến máu từ lúc 14 tuổi và đến giờ anh đã hiến 37 lần. Anh kể có lần đi xe thồ gặp một thằng bé bị tai nạn, anh đưa cháu bé vào viện và không ngần ngại hiến máu cứu cháu.

 

“Thẳm sâu trong suy nghĩ tui chỉ biết một điều rằng, những giọt máu của mình, đã cứu được tính mạng con người, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình họ....”, anh nói.

 

Chia tay “gia đình hiến máu”, tôi vẫn đau đáu lời căn dặn đầy nhiệt tình của chị Bé: “Thấy hoàn cảnh nào cần giúp đỡ máu cứ liên hệ gia đình chị. Nhóm máu nào cũng có, khi nào gọi cũng được. Cả nhà sẵn sàng giúp đỡ...”.

 

Đặc biệt hơn, trong ngôi nhà của đại gia đình lao động nghèo ấy có một “hũ gạo tình thương”. Mỗi ngày, mỗi gia đình nhỏ lại bỏ vào đó một nắm gạo, cuối tháng mang đi nhờ các tổ chức phát cho những hoàn cảnh nghèo khó hơn.

 

Bảng vàng thành tích hiến máu của gia đình ông Thanh:

 

Con gái:Chị Tâm (33 tuổi, làm trầm hương, hiến 45 lần); chị Bé (47 tuổi, bán hàng rong, hiến 35 lần); chị Lợi (40 tuổi, làm phụ hồ, hiến hơn 30 lần); chị Hậu, (44 tuổi, làm phụ hồ, hiến hơn 20 lần); chị Lai (43 tuổi, bán hàng rong, hiến hơn 25 lần); chị Thuận (39 tuổi, làm nghề bốc vác, hiến hơn 20 lần).

 

Con trai: Anh Tùng (32 tuổi, làm tiếp thị, hiến hơn 20 lần); anh Bình (40 tuổi), anh Định (38 tuổi), làm thợ nề, hiến hơn 37 lần…

 

Cháu ông Thanh, người ở Huế, người ở Sài Gòn nhưng đều tham gia hiến máu không dưới 10 lần. Bản thân ông cũng đã nhiều lần đi hiến máu cứu người. Trong ngôi nhà nhỏ trống trải đơn sơ ấy chi chít bằng khen của UBND tỉnh và Hội Chữ thập đỏ TP Huế.

 

Nguyễn Viết Long