1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp nữ anh hùng đếm bom ở Ngã ba Đồng Lộc

(Dân trí) - “Em vừa 18 tròn, đẹp như xuân sang. Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn. Đạp lên cái chết dáng em hiên ngang. Em là chồi biếc…” - đó là những lời hát mà nhạc sĩ Doãn Nho dành tặng anh hùng La Thị Tám, chứng nhân của Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại.

“Người con gái Sông La” đi vào huyền thoại

Đã bước qua tuổi lục tuần, vết dấu thời gian đã in hằn lên gương mặt cô TNXP có “đôi mắt xanh tựa ngọc” ngày nào, nhưng trong mỗi lời nói của chị vẫn còn vẹn nguyên nhiệt huyết một thời tuổi trẻ, lòng yêu nước quả cảm.

Chị sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Can Lộc (Hà Tĩnh), mảnh đất chảo lửa, bom thù giày xéo ngày đêm trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Ngày ngày, chị chứng kiến biết bao tội ác mà quân thù đã gieo rắc trên mảnh đất quê hương.

Gặp nữ anh hùng đếm bom ở Ngã ba Đồng Lộc - 1
Nữ anh hùng La Thị Tám ngày ấy đã đi vào huyền thoại (ảnh tư liệu).

Năm 1967, khi ấy chị 18 tuổi, với lòng yêu nước, ý chí kiên cường cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị xin gia nhập đội Thanh niên xung phong (TNXP) đóng tại xã Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Chị được phân công vào đơn vị C2 chủ lực thuộc ngành Giao thông vận tải Hà Tĩnh, tham gia đảm bảo giao thông thông suốt để chi viện kịp thời sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường ác liệt miền Nam.

Chị La Thị Tám bồi hồi nhớ lại: “Thời điểm ấy, Đồng Lộc trở thành một “túi bom”. Tuyến Quốc lộ 15A là “yết hầu” của mọi tuyến đường ra Bắc, vào Nam. Vì thế, kẻ địch xác định phải hủy diệt tuyến này để nhằm cắt đứt hoàn toàn việc vận chuyển, chi viện của hậu phương miền Bắc.”

Vào đơn vị, chị được giao nhiệm vụ hết sức nguy hiểm là đứng trên một quả đồi cao, phía trái của Ngã ba Đồng Lộc, vào những lúc máy bay Mỹ ném bom để đếm số lượng bom kẻ thù trút xuống. Chị phải nhìn thật tinh, phán đoán chuẩn xác bao nhiêu quả đã rơi, bao nhiêu quả đã nổ. Quả nào chưa nổ thì phải cắm tiêu chờ bộ đội công binh đến ra phá. Suốt 200 ngày đêm ròng rã, chị đã đếm và cắm tiêu được một số lượng bom lớn: 1.205 quả.

Trong khói bom, hình ảnh người con gái còn rất trẻ với khóe miệng tinh nghịch, tràn đầy sức sống, đôi mắt tràn đầy nhiệt huyết, khoác chiếc áo dù với chiếc ống nhòm luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ, đã lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia Văn Bảo. Bức ảnh về nữ TNXP La Thị Tám đã được đăng nhiều lần trên các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân và cả trên báo Sự thật của Liên Xô (cũ).

Sau này, trong những dòng tâm sự, nhiếp ảnh gia Văn Bảo đã nói: “Phụ nữ bao giờ cũng đẹp. Nhưng có lẽ trong chiến tranh, họ lại đẹp rạng ngời và trở thành niềm say mê trong cuộc đời cầm máy ảnh đi chiến trường của tôi. Có nhiều “người mẫu” đã lọt vào ống kính của tôi, nhưng La Thị Tám đã để lại trong tôi một ấn tượng không thể nào quên…”

“Vinh quang thuộc về tập thể”

Hình ảnh La Thị Tám và câu chuyện bi tráng về những cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã khiến nhạc sỹ Doãn Nho trong một lần hành quân qua hết sức xúc động, sáng tác bài hát “Người con gái sông La”. Mùa đông năm 1970, khi nghe được bài hát này, chị La Thị Tám đã xúc động khóc.

Chị Tám kể lại: “Tôi nhận ra đó là tập thể, là đồng đội của mình, những người con gái Quân khu IV vốn kiên cường, bất khuất. Đó không phải là riêng tôi, tôi chỉ thay mặt họ “lộ diện” một chút thôi.”

Gặp nữ anh hùng đếm bom ở Ngã ba Đồng Lộc - 2
Chị Tám lần dở những tấm ảnh chị chụp cùng đồng đội thời thanh xuân. (Ảnh: T.T)

Dũng cảm trong chiến đấu, chị được nhận được nhiều bằng khen và Huân chương Chiến công hạng Nhất. Cuối năm 1968, chị La Thị Tám vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người. Ngày 22/12/1969, chị được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vực trang nhân dân khi mới tròn 20 tuổi.

Năm 1974, chị Tám trở về thị xã Hà Tĩnh công tác tại cơ quan Dân Chính Đảng. Giã từ cây súng, chị lại cầm phấn và tiếp tục truyền ngọn lửa nhiệt tình cách mạng. Chị tìm thấy niềm vui, đắm đuối yêu nghề và gắn bó với công việc này suốt gần 20 năm.

Chị lập gia đình, chồng chị cũng từng rong ruổi khắp chiến trường miền Nam, nhiều lần bị thương rồi phục viên trở về địa phương. Bao năm sống trong căn nhà tập thể chật hẹp, mãi đến năm 1993, vợ chồng chị mới cất được ngôi nhà mới ở tổ 10 phường Nam Hà, đường Nguyễn Biểu, TP Hà Tĩnh.

Các con chị đều ngoan ngoãn và đang học tập, công tác tại Hà Nội. Con gái đầu Đặng Thị Tuyết Trinh (SN 1983) hiện đang công tác tại Trung tâm Thông tin (Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội). Con trai Đặng Thế Anh (SN 1987) vừa tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế.

Chị bảo, bây giờ được về sum vầy cùng con cháu, thấy mình hạnh phúc hơn biết bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống trên mọi nẻo đường của đất nước, không tiếc máu xương vì độc lập tự do cho dân tộc. Chính điều này khiến chị thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn để xứng đáng với những người đã không có được may mắn trở về.

Bây giờ, cứ mỗi lần có ai gợi lại chuyện quá khứ, chị cũng đều nói rằng: “Vinh quang, công lao thuộc về tập thể”.

Đặng Tài - Văn Dũng