1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gặp người hiến tặng thư viện hàng trăm pho sách cổ

(Dân trí) - Năm nay cụ Trần Hiêng tròn 85 tuổi. Cụ vừa hiến tặng cho thư viện tỉnh Nghệ An hàng trăm pho sách cổ rất có giá trị, những pho sách mà cụ đã dành cả đời để săn tìm và gìn giữ.

Người “thủ thư” tuyệt vời

 

Chúng tôi về xóm Mò Đỏ, xã Công Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), tìm gặp cụ Hiêng. Nhà cụ nằm ở cuối làng, bé nhỏ nhưng gọn gàng và ấm cúng. Ngay nơi cửa ra vào là hai câu đối viết theo lối thư pháp, nét chữ bay bướm nhưng cốt cách. Ra đón khách là một cụ già tóc bạc da mồi, phong thái đĩnh đạc thư thái như một cụ đồ hay một ẩn sĩ.

 

Thong thả gấp cuốn sách chữ Nho đặt ngay ngắn vào kệ, cụ rót nước mời khách. Mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ rất minh mẫn. Các cuốn kinh Phật, kinh thư, kinh dịch, sách của Khổng Tử, Mạnh Mử, Tôn Tử... cụ đều thuộc làu làu. Pho Sử ký của Tư Mã Thiên hay Tam Quốc diễn nghĩa, cụ nói chính xác từng chương, hồi, từng diễn biến cụ thể…

 

Hỏi cụ về xuất xứ số sách cổ cụ có, cụ Hiêng kể: Hàng trăm pho sách cổ đó có từ thời ông nội là Trần Khắc Trạch để lại. Ông là người học rộng tài cao, nhưng đã gác bút nghiên, vác gương, cầm súng đi đánh Pháp.

 

Với những chiến tích lập được, ông được vua Thành Thái phong hai đạo sắc: Tòng Bát Phẩm và Chánh Bát Phẩm. Sau này ông cáo quan xin về quê dạy học, sống cuộc sống thanh bần, đạm bạc nơi chốn dân dã và lấy sách làm bạn.

 

Người cha ông Hiêng là ông Trần Khắc Hinh học rất giỏi nhưng lận đận trong thi cử. Ông Hinh cũng nối nghiệp cha đi dạy học khắp nơi. Cụ Hiêng nhớ về quá vãng: “Tui học chữ Hán cha dạy, sau này tui tự học chữ Quốc ngữ. Cha tui dạy “phải biết yêu quý sách, sách luôn nói những điều hay lẽ phải. Mỗi ngày đọc một trang sách con sẽ thấy tâm sáng hơn, thấy cuộc đời đáng yêu hơn, thấy lòng mình thiện hơn, thấy mình giàu có hơn”.

 

Theo gương ông, cha, Trần Hiêng thông minh xuất chúng từ hồi còn nhỏ, luôn lấy chữ thánh hiền làm trọng. Thấy cuộc đời đầy trái ngang, bất trắc nên cụ ở nhà cày ruộng, đọc sách, sưu tầm sách. 

 

“Số sách vốn có từ thời ông, cha để lại một phần. Thời cải cách năm 1955, ngưòi ta gom sách ở các nhà địa chủ, đem đốt nhiều vô kể. Tui rình họ sơ hở là cướp mang về nhà. Tiếc lắm, tui thấy sách cháy mà lòng đau như cắt! Tui rớt nước mắt như chính mình mất đi người thân. Đợt đó tui cũng suýt bị bắt trói vì tội... trộm sách”, cụ Hiêng nhớ lại.

 

Anh Trần Khắc Thành, con cả của cụ Hiêng, cho biết: “Cha tui yêu quý sách kinh khủng. Đọc xong là vuốt phẳng phiu, nâng niu giữ gìn như trứng mỏng. Cả ba tủ sách đều là chữ Nho, chúng tôi không đọc nhưng biết là vốn quý của cha nên rất giữ gìn. Không may một cuốn sách bị hỏng, rách là cụ đỏ hoe mắt, như vừa đánh mất một thứ gì quý giá lắm”.

 

Qua những biến thiên dâu bể, qua mấy cuộc chiến tranh bom đạn, qua không biết bao nhiêu lần chuyển nhà, sơ tán, nhưng cụ Trần Hiêng vẫn lưu giữ pho sách gia bảo an toàn đến ngày hôm nay.

 

Vốn quý để lại cho đời

 

Năm nay, dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, cụ Trần Hiêng vẫn sở hữu một trí óc minh mẫn và một trí nhớ kỳ lạ. Hàng ngày cụ đều đặn đọc sách báo, xem truyền hình, theo dõi tin tức trong nước.

 

Cụ chia sẻ: “Tui luôn mong muốn thế hệ trẻ hãy yêu quý sách. Sách là tri thức của nhân loại đúc kết thành. Mong sao con cháu hãy nhìn sách mà sống, học hỏi sách để xứng tầm với thời đại”.

 

Hỏi tại sao cụ lại hiến toàn bộ số sách, cổ vật gia bảo mà suốt đời cụ nâng niu gìn giữ, cho thư viện tỉnh, cụ tâm sự, chính vì yêu sách, cụ mới hiến tặng sách cho thư viện. Mong rằng sau này khi cụ đã về nơi thiên cổ, những bảo vật vô giá của đời ấy vẫn được gìn giữ và lưu truyền cho đời sau.

 

Ngày 19/4/2007, Sở Văn hoá Nghệ An đã về nhà cụ Trần Hiêng để tiếp nhận những pho sách cổ. Hiện những món ăn tinh thần giá trị ấy đang được đặt tại thư viện tỉnh Nghệ An. Ông Đào Tam Tỉnh, Phó Giám đốc thư viện cho biết: Đó là bộ sách cực kỳ quý hiếm, gồm 49 tấm ván khắc gỗ bằng chữ Hán về kinh Phật, kinh dịch... và hơn một trăm cuốn sách cổ như: Khang Hy từ điển, Trần Tự Tính, Đại học, Y học nhập môn, Binh thư yếu lược, Sinh Thuyền,…

 

Hiện chưa xác định được chính xác niên đại của các pho sách cổ ấy, nhưng chắc chắn chúng đều có tuổi đời mấy trăm năm, cực kỳ quý hiếm! Đặc biệt bộ ván khắc chữ là bảo vật hiếm hoi của đất nước. Đó là những di sản văn hoá quý báu mà cụ Trần Hiêng đã gìn giữ và cống hiến cho đất nước.

 

Nguyễn Duy